Đọc truyện online, đọc truyện chữ, truyện full, truyện hay. Tổng hợp đầy đủ và cập nhật liên tục.

Kiếm Lai

Chương 399: Cầu vàng trên sông



Trên đường đi về phía bắc, sóng yên gió lặng.
Vương triều Đại Tuyền võ vận (khí vận võ đạo) hưng thịnh, mấy chục năm gần đây, chỉ có biên quân Đại Tuyền khi dễ người khác. Bắc Tấn phía nam và Nam Tề phía bắc đều phải chịu rất nhiều khổ sở.
Nhưng mấy năm nay ba vị hoàng tử của vương triều Đại Tuyền tranh đoạt ghế rồng, gần như đã sắp công khai động đao thương. Chuyện này đã hao tốn rất nhiều tinh lực của đại hoàng tử. Vị con trai trưởng họ Lưu do vợ lẽ sinh ra này vốn trấn giữ phía bắc, buộc phải dừng cuộc chinh phạt đã định trước. Để tránh sau khi đánh hạ lãnh thổ Nam Tề ngàn dặm, mình cũng nguyên khí đại thương, mất đi đại thế, làm mướn không công cho tân đế ở thành Thận Cảnh.
Hai mặt đông tây là bốn năm nước nhỏ tiếp giáp. Trong đó có quân chủ một nước tự nhận mình là cháu trai, kính xưng hoàng đế Đại Tuyền Lưu Trăn là chú. Còn có một nước khác trực tiếp biến thành thuộc địa của Đại Tuyền.
Cứ cách ba mươi dặm đội ngũ lại dừng chân, rửa mũi cho chiến mã. Những lúc này Diêu Trấn sẽ rời khỏi xe ngựa, đi trò chuyện với Trần Bình An mấy câu.
Thường xuyên qua lại, cháu đích tôn của Diêu Trấn là Diêu Tiên Chi đã quen thuộc với Trần Bình An, có điều khối “ngọc thô họ Diêu” này vẫn rất cẩn trọng trước mặt Trần Bình An.
Năm nay Diêu Tiên Chi mới mười bốn tuổi, đã ở trong biên quân ba năm. Năm thứ hai hắn trở thành trinh sát chính thức, sau đó dựa vào quân công được thăng làm ngũ trưởng. Từ nhỏ hắn đã học tập binh pháp với thầy giáo tại nhà, lại không thích khoe khoang khoác lác, thiếu niên dày dạn, rất được gia chủ Diêu Trấn coi trọng.
Diêu Tiên Chi không hề che giấu sự ngưỡng mộ của mình với Trần Bình An. Lúc trước trong khe núi, bị hai tên tu sĩ trên núi truy sát cực kỳ bi thảm. Chính Trần Bình An đã xuất thế ngang trời, cứu con cháu biên quân gồm cả ông nội Diêu Trấn. Một quyền đánh cho tông sư đáng sợ mặc giáp Cam Lộ phải lùi lại, càng thoải mái ứng phó với kiếm tu kh.ủng bố sát lực vô tận kia.
Sau đó nghe Diêu Lĩnh Chi nói, ở nhà trọ Trần Bình An lại dùng ba quyền đánh chết con trai của thân quốc công ngay tại chỗ, còn dám đối mặt với Lý Lễ của Ngự Mã giám. Diêu Tiên Chi càng bội phục sát đất, chỉ muốn mỗi ngày dắt ngựa cho Trần Bình An.
Ấn tượng của Trần Bình An với Diêu Tiên Chi cũng không tệ. Khe núi tắm máu chiến đấu anh dũng, ánh mắt kiên nghị của thiếu niên mặc giáp khiến người ta vẫn còn nhớ kỹ.
Có điều Diêu Tiên Chi vì muốn lôi kéo làm quen với hắn, luôn tìm chuyện để nói, thường nặn ra một số chuyện vui không buồn cười lắm. Chẳng hạn như Nam Tề nằm ở phía bắc, còn Bắc Tấn lại nằm ở phía nam.
Hắn còn nói, có một số văn hào chuyên làm thơ biên thùy, rất ngưỡng mộ kỵ binh Diêu gia trong biên quân Đại Tuyền. Trong đó có một vị danh nhân làng thơ, muốn dùng thơ đổi một con chiến mã cấp một, lại bị ông nội hắn từ chối. Người kia ghi hận trong lòng, sau khi trở về kinh sư đã gièm pha biên quân Diêu gia suốt mười năm. Diêu Tiên Chi thề thốt, lần này đến thành Thận Cảnh, nhất định phải đi gặp vị tiên sinh kia.
Trần Bình An không trả lời, cũng không ngại phiền.
Trong đám người thế hệ này của Họ Diêu, Diêu Lĩnh Chi là người có thiên phú võ học cao nhất. Cảm nhận của cô về Trần Bình An khá phức tạp, vừa biết ơn vừa kính sợ, từ đáy lòng còn có phần không phục. Lại vì thiếu nữ đang lúc tuổi xuân, cho nên không muốn theo Diêu Tiên Chi đến bên cạnh Trần Bình An.
Trước kia Trần Bình An đã từng cưỡi ngựa, ở đất lành Ngẫu Hoa còn từng cưỡi lừa đi theo lão đạo nhân. Cho nên hắn biết, cái gọi là ngày đi ngàn dăm trong chuyện kể và tiểu thuyết, đều là gạt người mà thôi.
Tại vương triều thế tục bình thường, trạm dịch chuyển công văn khẩn cấp tám trăm dặm, quả thật làm được như vậy. Nhưng cần phải đổi người và đổi ngựa, trên đường chuyển thư đụng chết người không cần chịu trách nhiệm. Có điều chạy một chuyến như vậy, thường khiến ngựa bị tổn thương rất nặng. Cho dù đã đóng móng ngựa, vẫn có khả năng khiến cho móng ngựa bị nát.
Quan lại trạm dịch dọc đường phụ trách tiếp đãi, cùng với nha môn quận huyện chỗ trạm dịch, đều rất để tâm tới bọn họ. Dù sao cũng là đại tướng quân có chữ “chinh”, lão gia chủ của kỵ binh Diêu gia. Hơn nữa đây không phải là giải giáp về quê gì đó, mà là vào kinh nhậm chức Binh bộ thượng thư, được thiên tử coi trọng, từ trụ cột biên quan trở thành rường cột triều đình. Diêu lão tướng quân chỉ cần dùng một ngón út, cũng có thể nghiền chết mấy huyện lệnh nhỏ. Có ai dám không quan tâm?
Diêu Trấn đón người tới tiễn người đi, mệt nhọc xã giao. Ông ta không thể nói là nhiệt tình với quan viên địa phương, nhưng cũng không tỏ vẻ ngang ngược kiêu ngạo, gần như không từ chối bất kỳ thứ sử nào mở tiệc chiêu đãi. Còn như quận chủ thịnh tình mời mọc, thỉnh thoảng ông ta sẽ mượn cớ từ chối. Huyện lệnh thì đương nhiên không dám tự ý bày tiệc tẩy trần cho thượng thư một bộ.
Trần Bình An không tham gia những bữa tiệc này. Bùi Tiền thì rất muốn chui vào trong đó, có lần chỉ nghe Diêu Tiên Chi kể tên những món ăn kia, cô đã thèm chảy nước miếng. Kỳ quái là Diêu Trấn nhiều lần dẫn theo Diêu Lĩnh Chi và Diêu Tiên Chi, nhưng lại bỏ qua Diêu Cận Chi giống như xem toa xe là nhà cao cửa rộng.
Lần này trên đường đi qua một quận thành không nổi tiếng, đường xá lại được quét dọn rất sạch sẽ. Trần Bình An vẫn không tham gia, chỉ dẫn theo hai người Bùi Tiền và Chu Liễm rời khỏi trạm dịch. Hắn dự định mua sắm mấy thứ linh tinh, chẳng hạn như một cây trâm ngọc. Có điều Diêu Cận Chi lần đầu tiên rời khỏi phòng ở trạm dịch, lại muốn đi theo bọn Trần Bình An.
Cô vẫn đội chiếc nón che mặt trang nhã dài đến cổ. Thực ra mỗi lần đội ngũ dừng lại, chỉ cần không có người ngoài, Diêu Cận Chi đều sẽ lấy nón che mặt xuống. Trần Bình An đã thấy gương mặt của cô nhiều lần, quả thật rất xinh đẹp, còn hơn cả nữ kiếm tiên Tùy Hữu Biên.
Chu Liễm nói mình tác oai tác quái ở đất lành Ngẫu Hoa mấy chục năm, cũng chưa từng thấy ai có dung mạo nghiêng nước nghiêng thành như Diêu cô nương. Nghe nói sau này có một tiểu cô nương của nhà Kính Tâm tên là Đồng Thanh Thanh, không biết có thể sánh ngang với Diêu Cận Chi hay không. Khi đó Trần Bình An đã gật đầu nói “có”.
Chu Liễm liền nói, nếu dùng trăm đồng tiền để ước lượng nhan sắc nữ nhân trên thế gian, vậy Diêu Cận Chi và Đồng Thanh Thanh chắc phải hơn chín mươi đồng.
Trần Bình An không muốn bàn luận về tướng mạo của người khác sau lưng. Trong lòng hắn chỉ có một suy nghĩ, những cô gái này cho dù vẻ ngoài thập toàn thập mỹ, cũng chỉ là trăm đồng tiền bình thường mà thôi. Còn Ninh cô nương mới là tiền cốc vũ, tiền đồng kim tinh.
Cho nên hắn gặp được cô nương như Diêu Cận Chi, cũng chỉ là gặp gỡ mà thôi.
Trần Bình An muốn mua một cây trâm. Diêu Cận Chi nói quận thành có một con ngõ Hài Nhi, chuyên bán đồ cổ quý giá. Cô nghe được lời đồn, muốn tới đó tìm kiếm ngói mái hiên và một loại tiền mừng tuổi cổ xưa tên là Hoài Kính.
Chu Liễm thì thích tiểu thuyết thần bí. Còn Bùi Tiền, chỉ cần là đồ vật đáng giá thì cô đều thích, đều muốn có. Chỉ là đi theo bên cạnh Trần Bình An, tính tình nham hiểm giống như trời sinh của cô đã bị mài mòn hơn nửa. Suốt ngày chỉ xin Trần Bình An để cô quản lý sổ sách, giống như Chung Khôi ở nhà trọ vậy, cho dù trong túi chỉ có mấy lượng bạc vụn cũng khiến cô hài lòng.
Trần Bình An không để ý tới cô bé. “Hông có mười đồng tiền, rung áo kêu leng keng”, người nói câu này là Bùi Tiền.
Vì nghênh đón Diêu Trấn, quận thành này đã tốn rất nhiều tâm tư. Trên đường đi tới ngõ Hài Nhi, Diêu Cận Chi đã giải thích cho Trần Bình An nguyên nhân trong đó. Quận chủ ở đây vốn xuất thân từ biên quân Diêu gia, nhờ cơ duyên trùng hợp, sau khi rời khỏi biên quân, bắt đầu đi theo con đường làm quan ở địa phương. Nghe Tam Gia ở nhà trọ nói, năm xưa người này là một thanh niên rất có chí hướng.
Đi vào ngõ Hài Nhi thật dài, có đủ loại cửa tiệm. Ngoại trừ cửa tiệm chính thống, còn có rất nhiều người ôm bọc vải, dáng vẻ giống như tú tài nghèo khổ, có lẽ là gia cảnh sa sút. Còn có người lấm la lấm lét, có lẽ là đồ vật trong bọc lai lịch bất chính, nội tình bất minh, hoặc là dứt khoát làm đầu trộm đuôi cướp.
Nhìn những người ôm bọc vải lén lút giao dịch trên đường, Trần Bình An cảm thấy rất thú vị. Sau khi hai bên có ý định mua bán, liền đi tới một góc yên tĩnh, cũng không nói rõ số tiền mà chỉ ra dấu trong tay áo.
Diêu Cận Chi mỉm cười bảo hành động này được gọi đùa là “đối đáp trong lồng”. Ngoại trừ dấu tay đặc biệt tượng trưng cho tiền đồng và bạc, con số cũng có quy tắc riêng. Ngón trỏ cong thành hình móc là chín, ngón trỏ và ngón giữa chồng lên nhau là mười.
Ở con ngõ Hài Nhi này, ngoại trừ Bùi Tiền thì ba người Trần Bình An đều có thu hoạch riêng.
Diêu Cận Chi được như ý nguyện, mua một mớ tiền đồng cổ xưa nổi tiếng ở các triều đại, giá cả có cao có thấp. Ngoài ra tại một cửa tiệm nhỏ, cô đã tìm được vài miếng ngói mái hiên có hoa văn thao thiết (ác thú trong thần thoại), viết những lời may mắn, còn có một bộ ngói tứ thần đầy đủ (thanh long, bạch hổ, chu tước, huyền vũ). Cho dù cách một lớp lụa trắng che mặt, Trần Bình An vẫn có thể cảm nhận được sự vui mừng của cô.
Sau khi ra cửa cô đã có thêm một cái bọc. Trần Bình An khách sáo đề nghị mang giúp, Diêu Cận Chi vội vàng từ chối.
Chu Liễm mua hai quyển tiểu thuyết tài tử giai nhân, được khoác lớp vỏ ngoài là tiểu thuyết thần bí.
Trần Bình An thì mua một cây trâm bạch ngọc hình ly long (rồng không sừng), thân trắng, cũng không có chữ triện, hoa văn gọn gàng lưu loát. Hắn vừa nhìn đã thích, nhưng cảm thấy hơi đắt. Ông chủ ra giá tám mươi lượng bạc, nói đây là tác phẩm của một vị chuyên gia mài ngọc tiền triều, chỉ là không đề chữ mà thôi, nếu không ba trăm lượng cũng không bán. Nếu là lúc ở Đại Tùy, Trần Bình An sẽ quay đầu bỏ đi, nhưng hiện giờ vẫn có thể cắn răng mua.
May mà Diêu Cận Chi đi lên nói chuyện một phen, đã giảm được xuống ba mươi lượng bạc. Ý tứ đại khái là mình có cất giữ một món đồ ngọc truyền đời của vị chuyên gia kia, đó là một cây thủy tiên lung linh tinh xảo, cho nên rất quen thuộc với thủ pháp điêu khắc của người này. Cô còn hạ thấp chất liệu của trâm ngọc ly long, nói cho ông chủ cứng họng không trả lời được. Cuối cùng bị vị tiểu thư khuê các kia ép giá, hậm hực bán trâm ngọc cho Trần Bình An.
Rời khỏi tiệm, Trần Bình An cầm hộp gấm nhỏ, trước tiên cảm ơn Diêu Cận Chi, sau đó không nhịn được cười khổ nói:
- Nghe Diêu cô nương nói như vậy, sao lại cảm thấy cây trâm này còn không đáng giá ba mươi lượng bạc?
Diêu Cận Chi trầm mặc một lúc, đến khi rời khỏi cửa tiệm rất xa, mới nhẹ giọng cười nói:
- Cây trâm này thật sự là tác phẩm của vị chuyên gia mài ngọc kia, đừng nói ba trăm lượng bạc, năm trăm lượng cũng đáng mua. Hơn nữa người này tôn sùng “chất ngọc không tốt thì không dùng”. Cây trâm này của ngài chất liệu rất tốt, đến mức khiến y cho rằng là “chất liệu ngọc thạch tốt nhất, dao Côn Ngô (gươm báu) không dám rơi vào mặt mỹ nhân”.
- Ngọc thạch trên thế gian có tốt hay không, mọi người đều nhìn ra được. Nhưng cụ thể tốt đến đâu thì rất khó nói. Huống hồ mỗi người đều có sở thích khác nhau, rất khó kết luận được.
Chu Liễm mỉm cười gật đầu, không biết là khen ngợi học thức của Diêu Cận Chi, hay là đồng ý với thái độ của vị chuyên gia kia về ngọc thạch.
Trần Bình An cất hộp gấm vào trong tay áo, cười hỏi:
- Diêu cô nương thật sự có cây thủy tiên chạm ngọc kia?
Diêu Cận Chi cười nói:
- Những lý do kia đều là bắt chước theo trong sách.
Vậy là không có rồi.
Bùi Tiền trợn trắng mắt. Cô vốn định sau này nịnh nọt Diêu Cận Chi nhiều hơn, không chừng một ngày nào đó Diêu Cận Chi cao hứng, sẽ tặng món đồ ngọc thủy tiên kia cho cô.
Diêu Cận Chi lại nói:
- Lý do đúng là ở trong sách, nhưng món đồ ngọc kia là một trong số của hồi môn của cô út của ta.
Trần Bình An đành phải cười xã giao.
Về điểm này thật ra Diêu cô nương rất giống với em trai Diêu Tiên Chi, chỉ là đạo hạnh sâu hơn một chút, không đến mức quá gượng gạo.
Từ đó có thể thấy, thực ra Diêu Cận Chi cũng không khó gần.
Bùi Tiền đã bắt đầu nịnh nọt, nũng nịu hỏi:
- Diêu tỷ tỷ, tỷ có mệt không, muội đeo hành lý giúp tỷ nhé? Muội đã quen mang đồ đạc rồi, trên đoạn đường này đều là muội đeo, bảo đảm không làm rơi hỏng đống bảo bối kia của tỷ.
Diêu Cận Chi mỉm cười lắc đầu, lụa trắng che mặt khẽ lắc lư.
Bùi Tiền hơi thất vọng, vẫn không muốn từ bỏ, lại nói:
- Vậy lúc nào Diêu tỷ tỷ cảm thấy mệt, nhất định phải nói với muội. Con ngõ này cách trạm dịch đến năm ngàn sáu trăm bước, Diêu tỷ tỷ chân dài, khoảng bốn ngàn bảy trăm bước là tới rồi.
Diêu Cận Chi đành phải gật đầu, đúng là một tiểu nha đầu kỳ quái.
Bốn người đi trong ngõ Hài Nhi rộn ràng. Chu Liễm cúi đầu cười hỏi:
- Đếm bước chân kỹ như vậy sao?
Bùi Tiền thở vắn than dài nói:
- Buồn chán mà, dù sao cũng không cho ta tiêu tiền, đành phải tìm chuyện để làm, còn thế nào được nữa?
Chu Liễm cười ha hả.
Trong chiều hôm, Trần Bình An trở lại trạm dịch, đi đến sân sau tản bộ. Hắn phát hiện Lư Bạch Tượng và Tùy Hữu Biên không biết tìm được bàn cờ ở đâu, đang đánh cờ trong một đình nghỉ mát nhỏ. Ngụy Tiện thì ở bên cạnh quan sát.
Lúc Trần Bình An đi vào đình nghỉ mát, ván cờ vừa mới phân ra thắng bại, Lư Bạch Tượng thắng một chút.
Tùy Hữu Biên đánh cờ sát lực rất lớn, khí thế đầy đủ. Lư Bạch Tượng thân là đàn ông, lại không sát phạt quyết đoán như Tùy Hữu Biên.
Chu Liễm cũng đi tới. Tùy Hữu Biên cáo từ Trần Bình An một tiếng, lập tức rời khỏi. Lư Bạch Tượng mời Chu Liễm đánh cờ, nhưng lão già lom khom lại cười khoát tay, nói trình độ đánh cờ của mình rất thấp, không dám bêu xấu.
Lúc Lư Bạch Tượng nhìn sang, Ngụy Tiện lại nói mình còn không phải là người đánh cờ trình độ thấp, vốn xem không hiểu gì cả. Chỉ là trong lúc rãnh rỗi, muốn biết ván cờ của hai người thắng thua thế nào mà thôi.
Không còn người đánh cờ, Ngụy Tiện liền rời đi, Chu Liễm theo sát phía sau. Chỉ còn lại Trần Bình An và Lư Bạch Tượng đang dọn dẹp bàn cờ.
Trần Bình An dựa vào lan can, uống rượu mơ trong hồ lô nuôi kiếm. Lư Bạch Tượng dùng hai ngón tay nhón lấy quân cờ, nhanh chóng bỏ vào hộp. Mặc dù chỉ là một động tác bình thường, nhưng cộng thêm tiếng vang trong trẻo khi quân cờ va chạm, chẳng những không đơn điệu mà giống như cảnh đẹp ý vui.
Trần Bình An sinh lòng bội phục. Tiếc là hắn thật sự không có thiên phú đánh cờ, cộng thêm chuyện đánh cờ quá hao phí thời gian, sẽ trì hoãn việc luyện quyền luyện kiếm, nếu không hắn cũng muốn nghiên cứu xem chơi cờ thế nào.
Diêu Cận Chi khoan thai đi tới, đang ở trạm dịch nên cô đã tháo nón che mặt. Cô ngồi xuống, nói với Lư Bạch Tượng gần như đã dọn xong quân cờ:
- Lư tiên sinh, chúng ta đánh một ván nhé?
Lư Bạch Tượng nhìn sắc trời, cười nói:
- Chắc sẽ là một trận ác chiến. Đánh cờ sau khi trời tối, ta thì không sao, nhưng không biết Diêu tiểu thư có thể nhìn rõ ván cờ hay không?
Diêu Cận Chi gật đầu nói:
- Mười lăm trăng tròn, nhờ ánh trăng chắc có thể miễn cưỡng nhìn rõ. Lư tiên sinh không cần lo lắng chuyện này.
Sau khi đoán cờ đi trước, Lư Bạch Tượng cầm trắng, Diêu Cận Chi cầm đen.
Trần Bình An đứng lên, nhìn nước cờ ban đầu của hai bên, không thấy rõ sâu cạn, bèn trở lại ghế dài, ngồi xếp bằng chậm rãi uống rượu.
Bởi vì trong đội ngũ có hai vị cung phụng Đại Tuyền, Trần Bình An không muốn tiết lộ nội tình của Khương Hồ, cho nên ban ngày uống rượu không thoải mái lắm. Dù sao tu sĩ và tông sư võ học đều tinh mắt, một tư thế góc độ nhấc tay cầm bầu rượu, cũng có thể nhìn ra dấu vết. Tâm thần của hắn trôi xa, đến khi khôi phục tinh thần thì Diêu Cận Chi đã rời đi, Lư Bạch Tượng một mình ở đó dọn dẹp.
Lư Bạch Tượng vừa thu dọn quân cờ, vừa cười nói:
- Hi vọng một ngày nào đó, có thể đến thành Bạch Đế nằm giữa ráng màu xem thử. Hay cho một câu “mời kỳ thủ thiên hạ đi trước”, đúng là khiến người ta khao khát.
Trần Bình An buột miệng nói ra:
- Ta có một... học trò, đánh cờ rất lợi hại, sau này các ngươi gặp mặt thì có thể so tài.
Thiếu niên Thôi Sàm, hoặc là nói Thôi Đông Sơn, đó là người từng đánh mười ván cờ với thành chủ thành Bạch Đế. Có điều thừa nhận Thôi Đông Sơn là học trò của mình, vẫn khiến Trần Bình An cảm thấy hơi gượng gạo, dù sao cũng không thể nói là bằng hữu được.
Lư Bạch Tượng lại không để ý lắm. Tùy Hữu Biên hay Diêu Cận Chi cũng vậy, hai ván cờ đều không thể khiến hắn dùng đến bảy tám phần sức lực. Có điều Tùy Hữu Biên là thua thật, còn Diêu Cận Chi là ẩn giấu thực lực, nhưng cho dù cô dốc hết sức thì vẫn sẽ thua.
Lư Bạch Tượng gần như tự phụ về trình độ đánh cờ của mình. Trong trăm năm giang hồ xa xôi, hắn là thủy tổ khai sơn Ma giáo, ngoại trừ xuất chúng trên võ học thì đánh cờ cũng là vô địch.
Chuyện mà hắn thật sự tò mò, đó là Trần Bình An tuổi tác không lớn, cũng không phải là đệ tử Nho gia của thế giới Hạo Nhiên, nhưng đã có học trò rồi.
Sau khi trò chuyện mấy câu về phong thổ quận thành, Lư Bạch Tượng đi trả lại bàn cờ và hộp cờ. Trần Bình An thì ở một mình trong đình.
Lúc này đã là cuối thu, dựa theo hành trình của đội ngũ, khi tới bến thuyền bên ngoài thành Thận Cảnh sẽ vừa lúc vào đông. Nghe nói sau khi tuyết lớn rơi xuống, thành Thận Cảnh sẽ có cảnh đẹp hiếm thấy trên thế gian.
Tâm cảnh của Trần Bình An yên tĩnh hài hòa. Về chuyện võ đạo, so với mong đợi lúc vừa rời khỏi núi Đảo Huyền, đó là mười năm sau bước vào cảnh giới thứ bảy Kim Thân, tiến triển đã xem như vượt xa tưởng tượng rồi.
Hai trận đại chiến sinh tử trong và ngoài Trấn Phi Ưng, còn có chém giết liên tiếp ở đất lành Ngẫu Hoa và nhà trọ biên thùy, chẳng những khiến Trần Bình An thành công bước vào cảnh giới thứ năm, hơn nữa cơ sở còn hùng hậu vững chắc. Cho dù hiện tại đột phá giới hạn, tiến vào cảnh giới thứ sáu, hắn cũng sẽ không cảm thấy bước chân bấp bênh.
Không nói tới Chủng Thu, những người còn lại như tu sĩ Kim Đan đội mũ Ngũ Nhạc, Đinh Anh đứng đầu đất lành, quan giữ cung Lý Lễ của vương triều Đại Tuyền, có người nào mà Trần Bình An thắng được dễ dàng?
Trần Bình An cũng không biết từ cảnh giới thứ sáu tiến vào thứ bảy khó đến đâu, rốt cuộc phải cần cơ duyên và nội tình thế nào. Sau cảnh giới thứ bảy là cảnh giới Vũ Hóa, còn được gọi là cảnh giới Viễn Du. Tiến vào cảnh giới này, tương đương với võ phu thuần túy một bước lên trời, có thể ngự gió đi xa giống như tiên nhân trên núi.
Chín cảnh giới của võ phu thuần túy, cộng thêm cảnh giới tận cùng mà người khác không biết, tổng cộng có mười cảnh giới. Trong đó Viễn Du là cảnh giới mà Trần Bình An khao khát nhất.
Dù là lúc cưỡi ngựa Trần Bình An vẫn luôn tu luyện kiếm khí Thập Bát Đình, lúc này lại hiếm hoi lười biếng một lần. Trong bóng đêm vắng lạnh, hắn chỉ ngồi trong đình nghỉ mát ngẩn người uống rượu.
Đến khi Diêu Trấn và cháu gái Diêu Cận Chi đi dạo tới đây, Trần Bình An mới đứng lên, phát hiện sắc mặt ông lão không tốt lắm. Diêu Cận Chi nhẹ giọng nói:
- Trong bữa tiệc, quận chủ nơi này chỉ ôn lại chuyện cũ sa trường với ông nội. Ông nội còn uống rượu rất thoải mái. Nhưng quận chủ lại âm thầm sai người đưa một phần lễ trọng tới trạm dịch, hi vọng sau khi ông nội vào kinh, trong triều đình có thể chiếu cố môn sinh là hắn một chút. Chuyện này khiến ông nội rất tức giận.
Diêu Trấn khẽ vỗ đầu gối một cái, vẻ mặt tịch mịch, cảm khái nói:
- Nhớ năm xưa là một thanh niên tốt biết bao, tinh thần hăng hái, quang minh chính đại, ra trận chém giết chưa từng khiếp sợ. Làm sao vào quan trường rồi, chỉ hơn mười năm lại thay đổi nhiều như vậy?
Diêu Cận Chi cười nói:
- Ông nội, mười năm không ngắn. Đội mũ ô sa lòng thay đổi, bước lên lầu vàng mặt mới tinh.
Diêu Trấn hừ lạnh một tiếng, mắng:
- Vẽ rắn thêm chân! Trong triều đình, đừng mơ ta nói nửa câu trái lương tâm giúp thằng nhóc này.
Diêu Cận Chi cười hỏi:
- Chẳng lẽ nếu hắn không tặng lễ vật, ông nội sẽ vì giao tình trước đây mà nói tốt cho hắn sao? Hiển nhiên sẽ không. Đã như vậy, hắn còn không bằng đánh cược một phen. Cược ông nội hiểu được quan trường thân không do mình, phải nhập gia tùy tục. Cược ông nội sau khi bước vào nha môn Binh bộ, sẽ muốn lôi kéo một nhóm người cũ trong quân ngũ, tránh bị đám công thần quyền quý ở kinh thành bài xích. Đến lúc đó một thân một mình, tình thế ép buộc, không chừng cái tên đầu tiên mà ông nội nhớ tới chính là quận chủ ở đây.
Diêu Trấn cười khổ không thôi.
Trần Bình An cũng không nói chen vào. Hai ông cháu nói về những quy củ quan trường phức tạp này ngay trước mặt người ngoài. Trần Bình An cũng chỉ cho là một môn học vấn ngàn vàng khó mua, nghe vào tai là được.
Chỉ cần băng qua con sông Mai vắt ngang lãnh thổ Đại Tuyền, đường lên phía bắc xem như đã đi được một nửa.
Hoàng hôn hôm nay, đội ngũ Diêu gia ở lại một dịch quán tại bờ nam sông Mai, cách con sông chỉ nửa dặm đường. Diêu Trấn kéo Trần Bình An đến bờ sông ngắm cảnh cho khuây khỏa.
Vừa rồi trên bàn ăn, món cá chép sông Mai kia là tuyệt nhất. Cá chép trong con sông lớn này có vảy vàng đuôi đỏ, dù là hấp, chiên giấm đường hay kho, đều không hề có mùi cá tanh, cực kỳ tươi ngon, là một trong số cống phẩm của vương triều Đại Tuyền.
Đáng tiếc miếu thủy thần sông Mai danh chấn triều đình và dân gian, lại cách trạm dịch và bến thuyền đến hơn ba trăm dặm. Trong lịch sử, văn nhân thi sĩ của mấy nước, đều từng lưu lại thư pháp quý giá trên vách tường miếu thủy thần kia. Sớm nhất có thể ngược dòng đến sáu trăm năm trước.
Thậm chí còn có rất nhiều thơ từ xướng họa của các văn hào thời đại khác nhau. Một trước một sau, một hỏi một đáp, bổ sung cho nhau, cùng với âm thầm so tài cùng một chủ đề. Cộng thêm bình luận của giới trí thức nổi tiếng đời sau, khiến cho miếu thủy thần hào quang lấp lánh, văn chương rực rỡ, văn vận (khí vận văn học) dày đặc, quả thật còn khoa trương hơn văn miếu ở thành Thận Cảnh.
Đội ngũ đi dạo chia làm ba nhóm. Diêu Trấn và Trần Bình An sánh vai đi đầu, Bùi Tiền cầm gậy leo núi đi theo phía sau.
Hai vị cung phụng Đại Tuyền giữ chức tu sĩ theo quân, đi chung với “ba người tên Chi” họ Diêu. Hai vị tu sĩ này là một đôi thầy trò Đạo môn, bởi vì lần này bí mật đi theo, cho nên cũng không mặc đạo bào nổi bật, chỉ đeo đao theo kiểu biên quân, che giấu tai mắt người khác. Trên đường đi hai thầy trò cũng không thân cận với mọi người. Đạo sĩ trẻ tuổi gương mặt tuấn tú, khí chất ôn hòa, giống như một vị công tử xuất thân từ gia đình quyền quý.
Bốn người Ngụy Tiện, Chu Liễm, Lư Bạch Tượng, Tùy Hữu Biên hiếm hoi cùng nhau lộ diện.
Diêu Trấn thật lòng thích ở chung với Trần Bình An, mặc dù phần lớn thời gian Trần Bình An đều không nói chuyện. Trong gia tộc và trong quân đội, lão tướng quân đều nói năng thận trọng, nhưng khi ở cùng với Trần Bình An lại nói rất nhiều.
Lúc này ông ta đang giải thích cho Trần Bình An về cấp bậc thần linh núi sông của vương triều Đại Tuyền. Ngoại trừ thần Ngũ Nhạc chính thức, thủy thần của sông Mai này là cấp bậc cao nhất. Đó là một vị phủ quân lớn, chẳng những có thể mở phủ đệ, quy mô còn ngang với cả phiên vương thế tục.
Có điều phủ thủy thần quanh năm đóng cửa, thủy thần sông Mai gần như không tiếp xúc với thế nhân. Hai trăm năm qua chỉ hiển lộ chân thân mấy lần, lúc ẩn lúc hiện giống như giao long trong mây mù.
Miếu thủy thần hương khói thịnh vượng, còn hơn cả thần linh Ngũ Nhạc chính thống cao quý nhất. Mỗi lần lễ hội, mười mấy vạn người từ nam bắc sẽ tụ tập bên bờ sông Mai, khiến cho kim thân tượng thần mà miếu thủy thần cung phụng, quanh năm suốt tháng đều giống như ngập trong hơi nước.
Diêu Trấn cười lớn nói:
- Chỉ cần gặp phải hạn hán, hoàng đế bệ hạ sẽ tự mình tới miếu thủy thần cầu mưa. Cho dù không thể tự mình chạy tới, cũng sẽ phái một vị thân thuộc họ Lưu và Lễ bộ thượng thư cùng nhau xuôi nam. Thủy thần sông Mai cực kỳ linh nghiệm, chưa từng khiến dân chúng Đại Tuyền thất vọng.
Nghe Diêu Trấn nói như thế, ngay cả Trần Bình An cũng cảm thấy tiếc nuối vì không thể đi qua miếu thủy thần. Nếu không hắn sẽ có thể uống rượu mơ, dùng dao khắc những gì thấy và nghe lên thẻ trúc.
Dọc theo sông Mai cuồn cuộn, đi xuống hạ du bốn năm dặm, bọn họ gặp phải một ông lão ngồi xổm ở bên bờ, ngơ ngẩn nhìn nước sông.
Diêu Trấn quay đầu nhìn lão cung phụng, thấy đối phương khẽ gật đầu. Lúc này lão tướng quân mới sải bước về phía ông lão kia.
Ông lão vẻ mặt hiền lành, thân thể lại cường tráng. Bị trận thế của đám người Diêu Trấn hù dọa, ông ta liền hoảng hốt đứng lên, cổ họng khẽ nhúc nhích, nuốt một ngụm nước bọt. Ông ta sợ sệt gọi một tiếng quan lão gia, sau đó không biết phải nói gì nữa, hai tay cũng không biết để đâu cho tốt.
Diêu Trấn gọi một tiếng huynh đệ, bảo ông lão không cần khẩn trương, thuận miệng hỏi ông ta nhà ở phương nào, nghề nghiệp ra sao. Ông lão không dám che giấu, câu trả lời lại khiến mọi người kinh ngạc. Hóa ra ông ta ngoại trừ là nông dân, còn làm nghề vớt thi thể, phải thường xuyên đi dạo bên cạnh sông Mai, dựa theo quy tắc cũ truyền xuống, tự xưng là “quỷ nước”.
Diêu Trấn sinh lòng tò mò, hỏi kỹ càng chuyện quỷ nước và vớt thi thể. Ông lão hơi do dự, có lẽ là cảm thấy chuyện này khó mở miệng, chỉ lo những quý nhân này nghe xong sẽ không thích. Diêu Trấn lại dùng lời an ủi, lúc này ông lão mới ngập ngừng nói một chút tập tục ở đây, đúng là có rất nhiều quy tắc mà người khác không biết.
Hóa ra những người chèo thuyền tự xưng là quỷ nước như bọn họ, nếu gặp phải thi thể vớt lên, không thể chủ động đòi tiền của thân quyến người đó. Nếu người ta cho thì nhận, còn không thì hãy bỏ qua, xem như tích một việc âm đức, nếu không sẽ bị xui xẻo bám lên người ít nhất ba năm. Có điều nếu thân nhân của người chết không cho tiền, cũng không muốn mời một bữa cơm, vậy bảo đảm cũng sẽ gặp xui xẻo.
Chắc là do Diêu Trấn và Trần Bình An nhìn có vẻ hiền hòa, sau khi ông lão bắt đầu câu chuyện, dần dần không còn nhút nhát nữa, tiếng phổ thông Đại Tuyền vốn hàm hồ cũng nói trôi chảy hơn.
Ông ta chủ động nói với Diêu Trấn những điều cần chú ý khi vớt thi thể, lời nói và vẻ mặt cũng đã tươi cười một chút:
- Có lẽ đại nhân không biết, đàn ông rơi xuống nước chết, nhất định là nằm sấp trên mặt nước, còn phụ nữ là nằm ngửa, chưa từng có ngoại lệ. Ở bên bờ nhìn một cái đã biết là nam hay nữ. Sau khi kéo lên bờ, nếu không ai tới nhặt xác, phải giúp chôn cất ở một nơi cách miếu thủy thần lão gia không xa. Sau đó đi vào trong miếu thắp ba nén nhang, lại ở ngoài miếu xin một tấm vải đỏ cột lên cổ tay, xem như là làm việc thiện, sau này sẽ có báo đáp.
Ông ta liếc nhìn mặt nước sông Mai, sắc mặt nặng nề, nói tiếp:
- Nhưng có hai loại không vớt được. Một loại là sau khi chết đứng thẳng trong sông, bất kể nam hay nữ, đều không phải là thứ chúng ta có thể vớt. Tóc trôi trên mặt sông, không thấy rõ mặt, dù có trả nhiều tiền, chúng ta cũng không dám đi.
- Còn có một số hoàng hoa khuê nữ nhảy sông tự sát. Nếu dùng sào trúc vớt ba lần vẫn không thể kéo lên thuyền, chúng ta không được tiếp tục nữa, chỉ cần nhúng tay vào sẽ không có báo ứng tốt.
Lúc đầu Bùi Tiền nghe rất hứng thú, nhưng đến khúc sau thì da đầu ngứa ngáy, không dám nhìn sông Mai nữa.
Chân mày ông lão giãn ra, cười chất phác nói:
- Nếu có một ngày không làm quỷ nước nữa, phải tìm thời điểm mặt trời lên cao, tới bên bờ này rửa tay, xem như là tạm biệt thủy thần lão gia.
Diêu Trấn gật đầu, hỏi:
- Nhiều năm như vậy, lão ca đã vớt bao nhiêu người rồi?
Ông lão ngẫm nghĩ, lắc đầu nói:
- Không nhớ nổi nữa.
Diêu Trấn trầm giọng nói:
- Người tốt sẽ có báo đáp, lão ca đừng cảm thấy cái nghề vớt thi thể này không được vẻ vang, tích đức hành thiện là rất tốt.
Ông lão xấu hổ cười nói:
- Lão đại ngài nhất định là một vị quan tốt, thanh thiên đại lão gia.
Đây là lời khen ngợi mà ông ta phải cố gắng lắm mới nghĩ ra.
Sắc trời không còn sớm, Diêu Trấn mỉm cười từ biệt ông lão.
Trần Bình An nói muốn ở lại thêm một lát.
Đến cuối cùng bờ sông chỉ còn lại ông lão vớt thi thể, Trần Bình An, Bùi Tiền và Chu Liễm. Những người còn lại đều đã trở về dịch quán.
Chu Liễm tiếp tục đi về phía hạ du.
Trần Bình An ngồi bên cạnh ông lão, mỉm cười đưa bầu rượu qua, hỏi:
- Lão bá có uống rượu không?
Ông lão vội vàng khoát tay, khước từ nói:
- Công tử đừng phí phạm đồ tốt nữa, ngài cứ giữ lại mà uống.
Trần Bình An vẫn duỗi tay ra, kiên trì nói:
- Vậy là biết uống rồi.
Ông lão vẫn không dám cầm lấy bầu rượu. Trần Bình An nhẹ giọng cười nói:
- Có thể lão bá không tin, ta cũng xuất thân nghèo khổ, từng làm thợ gốm rất nhiều năm.
Ông lão thấy vị công tử này không muốn thu hồi bầu rượu, đành phải cẩn thận cầm lấy, giơ lên cao, ngẩng đầu uống một hớp, sau đó vội vàng trả lại cho Trần Bình An.
Một hơi nuốt rượu xuống, có lẽ còn chưa nếm được mùi vị gì, ông lão đã mặt mày hồng hào, rất cao hứng.
Trần Bình An uống một hớp rượu mơ, hỏi:
- Hôm nay lão bá ở đây, có nhìn thấy thi thể trôi qua không?
Ông lão lắc đầu nói:
- Lúc này nước trong sông rất cạn, không dễ nhìn thấy thi thể.
Nói đến đây, ông ta giống như cảm thấy nói sai, hơi xấu hổ, vội vàng nói:
- Không thấy được mới đúng.
Trần Bình An “ừ” một tiếng, yên lặng uống rượu.
Ông lão vốn là người ít nói, hôm nay tán gẫu với Diêu Trấn như vậy, có lẽ còn nhiều hơn một năm bình thường cộng lại.
Trần Bình An nhìn nước sông Mai trước mắt, bỗng nhớ tới sông Long Tu và sông Thiết Phù ở quê nhà.
Ông lão đột nhiên quay đầu cười nói:
- Công tử xem như hết khổ rồi, đã có tiền đồ lớn.
Trần Bình An gãi gãi đầu, không biết nên trả lời thế nào. Nói mình không có tiền thì hình như không thực tế, còn thừa nhận mình có tiền đồ lớn thì lại thiếu một chút.
Bùi Tiền cảm thấy khó hiểu, không biết một ông lão như vậy có gì đáng để Trần Bình An trò chuyện. Cô nghĩ thầm, ngươi ở cùng với một đại tướng quân như lão Diêu, cũng không nói nhiều như thế.
Ba người đều trầm mặc một hồi lâu. Ông lão ngồi bên bờ đột nhiên thở dài, nhìn mặt nước sông Mai, nói:
- Nói vài lời xui xẻo không lọt tai, công tử đừng tức giận.
Trần Bình An gật đầu nói:
- Lão bá cứ nói.
Ông lão nhẹ giọng nói:
- Lúc con của ta tuổi tác xấp xỉ với công tử, đã gặp phải người đáng thương không nên vớt. Nó không nghe khuyên bảo, vớt lên bờ, không được mấy ngày thì đã qua đời. Lẽ ra ta nên ngăn nó lại.
Lúc nói những lời này, trên mặt ông ta không có quá nhiều bi thương. Cuối cùng lúc ông ta rời đi, lại cảm ơn Trần Bình An một tiếng, nói rằng rượu rất ngon, đời này chưa từng uống rượu ngon như vậy.
Trần Bình An đứng dậy nhìn theo ông lão càng lúc càng xa.
Bùi Tiền vẫn không dám nhìn mặt nước sông Mai. Sau khi Chu Liễm theo đường cũ quay về, cô mới lớn gan hơn một chút.
Trần Bình An ngồi xếp bằng nhìn nước sông và bờ bên kia, bảo Chu Liễm dẫn Bùi Tiền trở về dịch quán trước. Có điều Bùi Tiền không chịu, nhất quyết muốn ở bên cạnh Trần Bình An. Chu Liễm cũng chỉ đành ở lại theo.
Trần Bình An nhắm mắt lại, giống như đã ngủ.
Bùi Tiền rất buồn chán nhặt từng hòn đá lên, nhưng không dám ném vào trong sông Mai, chỉ sợ không cẩn thận ném ra một thi thể đứng trong nước. Cô vừa nghĩ tới hình ảnh nữ thi tóc trôi trên mặt nước, cả người liền nổi da gà.
Cô bất giác nhích về phía Trần Bình An, nắm chặt gậy leo núi trong tay, bắt đầu yên lặng đọc thuộc văn chương trong quyển sách kia, để cho mình thêm can đảm.
Chu Liễm thân hình lom khom, híp mắt nhìn về phía xa. Lão dĩ nhiên không quan tâm đến thần linh núi sông hay yêu tinh quỷ quái gì đó.
Một hồi lâu sau, bóng đêm trầm lắng. Bùi Tiền bỗng kinh ngạc thốt lên:
- Sao trên sông lại có một chiếc cầu?
Chu Liễm hơi sững sốt, nhìn theo ánh mắt của Bùi Tiền. Nào có cầu gì, chỉ thấy nước sông cuồn cuộn mà thôi.
Cặp mắt sáng lấp lánh của Bùi Tiền trợn tròn, kêu lên:
- Oa, cầu màu vàng!
Chu Liễm trước tiên nhìn bóng lưng của Trần Bình An, không thấy có gì khác thường, cũng cảm thấy dở khóc dở cười, chỉ cho là con nhóc tinh nghịch này đang nói hưu nói vượn. Cho dù ngươi gạt người nói là trên sông có một thi thể, còn đáng tin hơn là trên sông có một chiếc cầu dài màu vàng.
Bùi Tiền tỏ ra nghi hoặc, vẻ mặt ngỡ ngàng. Bởi vì cô dường như nghe được tiếng đọc sách của Trần Bình An, nội dung vừa lúc là một đoạn mà hắn bảo cô học thuộc. Đây là đoạn duy nhất nằm ngoài quyển điển tịch Nho gia kia, Trần Bình An muốn cô ghi nhớ. Thậm chí hắn còn dùng bút Tiểu Tuyết viết vào phần cuối quyển sách kia, cho nên Bùi Tiền nhớ rất kỹ.
Trần Bình An không muốn nói đạo lý với cô, chỉ nói những đạo lý nằm ngoài quyển sách kia với Tào Tình Lãng. Bùi Tiền cảm thấy những văn tự này, có lẽ là thứ duy nhất mà cô mạnh hơn con mọt sách kia.
Vào giây phút này, trong lòng cô uất ức, liền lớn tiếng đọc ra.
Đó là: “Quần sao xoay chuyển, trời trăng soi sáng, bốn mùa luân phiên, âm dương biến hóa, mưa gió tràn đầy...”
Đó là: “Quân tử không hành động mù quáng, hành sự đều có đạo. Quân tử không ăn nói lung tung, nói năng đều theo lý. Quân tử không truy cầu tùy tiện, mưu cầu đều vì nghĩa. Quân tử không làm việc bừa bãi, làm thì phải chân chính.” 
Chương trước Chương tiếp
Loading...