Đọc truyện online, đọc truyện chữ, truyện full, truyện hay. Tổng hợp đầy đủ và cập nhật liên tục.

Kiếm Lai

Chương 253: Chim sẻ đi rồi trở lại



Sau năm mới, Đông Bảo Bình Châu đã xảy ra mấy chuyện lớn.
Một là vị đạo sĩ tuổi còn trẻ nhưng vai vế cực cao của Thần Cáo tông, dưới sự tiến cử của chưởng môn sư huynh thiên quân Kỳ Chân, đã được thượng tông Đạo giáo nằm ở Trung Thổ Thần Châu gởi lời mời. Hắn đã trở thành chân nhân mới của thượng tông kia, quản lý bộ sách “Động Huyền Kinh” rất quý giá của Đạo giáo, được khen là “kỷ cương của đạo pháp”. Tin tức này không kém hơn lúc trước Thần Cáo tông ăn mừng Kỳ Chân được sắc phong làm thiên quân.
Hai là núi Chân Vũ một trong tổ đình Binh gia, năm ngoái mới thu nhận một tên đệ tử, trong vòng một năm đã liên tục đột phá ba cảnh giới. Núi Chân Vũ vốn hơi kém hơn miếu Phong Tuyết, nhờ chuyện này mà thanh thế nhanh chóng tăng vọt, loáng thoáng có dấu hiệu đè ép miếu Phong Tuyết. Nên biết đây còn là dưới tiền đề Ngụy Tấn của miếu Phong Tuyết đã bước vào hàng ngũ lục địa kiếm tiên, có thể thấy thiên phú của tên thiếu niên kia cao đến mức nào.
Ba là một tin tức ngầm, nói rằng vương triều Đại Ly mọi rợ ở phương bắc đã phát điên rồi, muốn sắc phong cho một ngọn núi ở phía nam làm Bắc Nhạc một nước. Đông đảo thế lực lập tức nghị luận sôi nổi, phần nhiều là mỉa mai cười nhạo, nói rằng dế nhũi họ Tống kia chẳng những học vấn nông cạn, hóa ra ngay cả đông nam tây bắc cũng không phân biệt được. Chỉ có thư viện Quan Hồ là nghiêm cấm học sinh bàn luận chuyện này, đáng để nghiền ngẫm.
Còn lại mấy chuyện không được nổi bật như ba chuyện trước, hơn nữa phần nhiều là tin tức ngầm nghe sai đồn bậy, tạm thời khó phân biệt thật giả. Chẳng hạn như tại thành Lão Long nằm cuối phía nam Đông Bảo Bình Châu, thiếu thành chủ Phù Nam Hoa muốn kết thông gia với một cô gái ở nước Nam Giản. Gia tộc của cô gái kia là một trong số tộc lớn có thể đếm được trên đầu ngón tay của Đông Bảo Bình Châu, nhưng theo lời đồn cô ta rất xấu xí, là một bà cô đã ba mươi rồi.
Lại ví dụ như Đại Tùy phía bắc rối loạn bất an, không ngừng có đại tu sĩ lặng lẽ rời khỏi lãnh thổ đi về phía nam “du lịch”, nghe nói là để trốn tránh lầu phi kiếm Bạch Ngọc Kinh hư hư thật thật của Đại Ly. 
Còn về thư viện Sơn Nhai đã bị hủy bỏ danh hiệu bảy mươi hai thư viện, năm ngoái cắm rễ ở kinh thành Đại Tùy, không xem là tin tức lớn gì. Ngoài ra Đại Tùy còn tuyên bố với bên ngoài, trong lãnh thổ có thêm một vị võ phu cảnh giới thứ mười kinh hãi thế tục, phía nam Đông Bảo Bình Châu đều cho rằng đây chỉ là một thủ đoạn che mắt vụng về của họ Cao Đại Tùy mà thôi.
Mỗi ngày Ngụy Bách vẫn tản bộ đến núi Lạc Phách, theo đó ngọn núi này cũng trở nên náo nhiệt. Tiên gia ở ba ngọn núi gần đó, vốn xem núi Lạc Phách chần chừ không muốn xây dựng phủ đệ là trò cười, lúc này lại bắt đầu thường xuyên đến núi Lạc Phách, hoặc là vô tình gặp được Bắc Nhạc đại thần, hoặc là đến miếu sơn thần trên đỉnh núi thắp một nén nhang.
Hành động này cũng không đơn giản. Tiên gia vào miếu thắp hương vốn có quy củ lớn, quan niệm lớn. Tiên nhân thường sẽ không đặt chân vào thần miếu, càng sẽ không dễ dàng thắp hương, trừ khi là “đầu hương” gần giống như kết minh.
Chẳng hạn như ta xây dựng phủ đệ ở một ngọn núi, trên núi có miếu thờ do triều đình sắc phong, như vậy sẽ đi thắp một nén nhang chứ không phải ba nén nhang, xem như là lên tiếng chào hỏi. Nếu nhang khói cháy hết, nghĩa là thần linh núi sông trong miếu thờ gật đầu đồng ý. Còn nếu nhang khói cắm vào lư hương cháy không hết, đã nói lên “độ lửa không tới”. Sau đó tiên gia muốn trở mặt hay là lung lạc thêm, phải xem sức lực của từng người, hoặc có thể nói là phải xem vương triều dưới núi cánh tay to bao nhiêu, nắm tay lớn đến đâu.
Có điều Đông Bảo Bình Châu nho nhỏ dù sao cũng không phải là Trung Thổ Thần Châu trăm hoa đua nở. Tương truyền ở đó từng có một vương triều hùng mạnh sừng sững ngàn năm. Mỗi khi quốc gia sa sút, nhất định sẽ xuất hiện minh quân tài trí kiệt xuất và văn thần võ tướng ngăn cơn sóng dữ.
Vương triều kia rất sùng bái võ phu thuần túy, đã từng làm một hành động vĩ đại trước kia chưa từng có, sau này cũng không có. Một quân vương mê muội thiếu chút nữa đã chặt đứt vận mệnh quốc gia, giận dữ vì hồng nhan nên đã dùng hết lực lượng cả nước vây công một ngọn núi lớn. Ngoại trừ pháp bảo của luyện khí sĩ và phi kiếm của kiếm tu trong nước, còn có vô số cung cứng nỏ mạnh của võ phu thuần túy. Sáu ngàn chiếc máy ném đá có khắc bùa chú Đạo gia, cộng thêm gần vạn chiếc máy bắn nỏ to lớn được cơ quan sư Mặc gia đặc biệt chế tạo. Dùng hết tất cả dự trữ của vương triều, mỗi mũi tên của máy bắn nỏ đều to như cột trong đại điện... cuối cùng đã bắn cho ngọn núi lớn kia thành một con nhím.
Trấn nhỏ Long Tuyền vẫn náo nhiệt như trước, nhưng hai ngày này trong núi lớn phía tây lại rất yên tĩnh. Đừng nói đến tiên gia xứ khác đặt chân ở đây, ngay cả những yêu tinh quỷ quái ngạo mạn cũng không dám thở mạnh một hơi, bởi vì quốc sư Đại Ly Thôi Sàm đã bắt đầu tuần tra núi.
Nghe nói đây là lần đầu tiên lão đặt chân đến quận Long Tuyền, vẻ mặt nghiêm túc, dẫn theo hai tên tùy tùng, từ quận phủ phía bắc bắt đầu vào núi, đi thẳng về phía nam. 
Bởi vì Thôi Sàm không muốn cải trang vi hành, trước tiên đã lên tiếng với Ngô Diên giữ chức quận chủ, cũng là môn sinh đắc ý của lão. Vì vậy các núi lớn đã sớm nhận được thông báo của nha môn, yêu cầu trong thời gian sớm nhất chuẩn bị tiếp giá, quốc sư tùy thời sẽ lên núi ngắm cảnh. Cũng không yêu cầu phải bưng ra gan rồng tủy phượng, quét dọn đường xá gì đó, chỉ cần không làm mất mặt là được. Chủ nhà ít nhất cũng nên có một người chờ ở ngọn núi đừng đi lung tung, nếu không sau khi quốc sư lên núi, thuận miệng hỏi thăm lại chẳng ai biết gì thì không ổn lắm.
Trong số này, núi Thần Tú đứng tên Nguyễn Cung và núi Ngưu Giác của Bao Phục Trai đều rất quan trọng. Ngô Diên đã nhờ hai vị đại công tử họ Viên và Tào, phân biệt giữ chức huyện lệnh và quan giám sát làm gốm, đi đến hai ngọn núi đó để tránh chiêu đãi không chu toàn, xảy ra sơ suất. Còn về núi Phi Vân thì không cần phải nói, hoàng đế bệ hạ rất nhanh sẽ ngự giá thân chinh đến đây.
Quả nhiên Thôi Sàm ở lại núi Phi Vân hai ngày ngắn ngủi, xem qua vị trí miếu thờ Bắc Nhạc và thư viện mới. Trong đó có một gương mặt vẫn luôn đi theo bên cạnh quốc sư, đã gây nên sóng to gió lớn, đó là lão thị lang Trình Thủy Đông của nước Hoàng Đình. Chuyện này đã dẫn đến rất nhiều suy đoán, chẳng lẽ họ Hồng nước Hoàng Đình phụ thuộc Đại Tùy đã phản bội minh ước rồi?
Sau cùng Thôi Sàm đi đến núi Lạc Phách cuối phía nam, đi lên miếu sơn thần. Tống Dục Chương lập tức hiện ra kim thân. Lúc còn trẻ đi học ông ta đã rất sùng bái vị quốc sư này, hôm nay chẳng những nhìn thấy chân dung ở khoảng cách gần, còn có thể trò chuyện mấy câu đạo đức học vấn, chuyện này khiến Tống Dục Chương đã thành thần linh núi sông rất kích động.
Thôi Sàm rời khỏi miếu sơn thần, bảo Tống Dục Chương đi đến núi Phi Vân, thương nghị với Ngụy Bách chuyện yêu vật vào núi. Lại bảo hai tùy tùng bên cạnh là Hứa Nhược và Lưu Ngục trở về trấn nhỏ, tiếp tục trông chừng Tạ Thực và Tào Hi.
Trong chiều hôm, Thôi Sàm một mình chậm rãi xuống núi, đi trên một con đường nhỏ vắng vẻ, cuối cùng đi đến trước một ngôi lầu trúc.
Cô bé váy hồng đang ở dưới mái hiên cắn hạt dưa ăn bánh ngọt, sau khi nhìn thấy ông lão thì chớp chớp mắt. Lão gia đang hôn mê trong thùng thuốc, cô không dám tự tiện đóng cửa từ chối khách, cũng không dám để mặc ông lão xa lạ xông vào lầu trúc.
Thằng bé áo xanh gần đây chăm chỉ tu hành, dốc lòng tĩnh tọa, ngày đêm không nghỉ. Ngoại trừ cõng Trần Bình An rời khỏi tầng hai, gần như hắn không rời khỏi vách núi, hai tai không nghe chuyện ngoài núi. Kết quả lúc này vừa mở mắt, lại nhìn thấy một lão nho sinh tu vi sâu không thấy đáy, còn là loại người tính tình không tốt lắm.
Hắn đã có suy nghĩ muốn nhảy xuống vách đá tự sát: “Đi trên đường ở trấn nhỏ hoặc ngõ Nê Bình, gặp phải những kẻ có thể dùng một quyền đánh chết mình thì cũng thôi đi. Trên đường trở về núi Lạc Phách, ở nơi hoang vu hẻo lánh gặp phải thì cũng nhẫn nhịn. Sao ông đây an tĩnh tu hành ở nhà mình, ngay trước cửa, cũng phải chạy ra một kẻ như vậy?”
Vẻ mặt thằng bé áo xanh chết lặng, không sợ chết sẽ có khí phách lớn, nói với Thôi Sàm:
- Lão gia nhà ta gần đây không tiếp khách, nếu ngươi mất hứng thì cứ việc dùng một quyền đánh chết ta, dù sao trước tiên cũng phải bước qua xác của ta.
Thôi Sàm gật đầu, sắc mặt hờ hững:
- Ngươi muốn chết đúng không?
Thằng bé áo xanh đang định nói chuyện, cô bé váy hồng đã ngây thơ hỏi:
- Lão tiên sinh, ông muốn tìm ai?
Thôi Sàm quay đầu mỉm cười nói:
- Ta tên Thôi Sàm, là quốc sư Đại Ly. Ta không tìm lão gia nhà ngươi, chỉ muốn tìm người ở tầng hai kia.
Thằng bé áo xanh giống như bị sét đánh, sau đó trong phút chốc trợn trắng mắt, một tay đè đầu, tay kia vung vẩy lung tung:
- Vừa rồi ta nói gì, sao ta không nhớ rõ, tại sao lại như vậy...
Trên tầng hai có ông lão đứng bên cạnh lan can, nói với cô bé váy hồng:
- Để hắn đi lên. Ngươi dẫn theo con rắn nước nhỏ kia đi chỗ khác dạo chơi trước. Yên tâm, không liên quan gì đến lão gia Trần Bình An của các ngươi.
Thôi Sàm xách hai cái ghế đi lên tầng hai, nhẹ nhàng đặt xuống hành lang, mỗi người ngồi một ghế.
Ông lão hỏi:
- Có chuyện gì?
Thôi Sàm hờ hững nói:
- Vì đại đạo của mình, tôi đã tìm một thân xác đại tiên lưu lại từ thượng cổ, phân ra một nửa hồn phách chứa vào trong đó, một chia làm hai, dùng tướng mạo thiếu niên đi đến động tiên Ly Châu. Kết quả tính kế Tề Tĩnh Xuân không thành, ngược lại bị hắn làm hại cảnh giới suy sụp, thần hồn bất ổn. Sau đó tôi đã làm một vụ mua bán với một dư nghiệt hình đồ sống rất lâu ở nơi này, học được một môn bí thuật, nhờ đó mới vất vả ổn định được tâm thần. Tiếp đó lão tú tài đến nơi này một chuyến, đã nhìn trúng một nửa của tôi trong thân xác thiếu niên, bỏ qua một nửa của tôi ở kinh thành Đại Ly, cắt đứt liên hệ thần hồn, hoàn toàn chia ra làm hai. Trên đời đã có hai Thôi Sàm...
Vẻ mặt ông lão lạnh nhạt, hai tay nắm lại đặt trên đầu gối, nhìn về phương xa:
- Sai rồi, là Thôi Sàm Sàm.
Thôi Sàm không tỏ ý kiến với chuyện này:
- Tôi là Thôi Sàm, từ giây phút rời khỏi quê hương đã như vậy rồi. Còn về thiếu niên được chia một nửa hồn phách của tôi, hôm nay đã chọn một cái tên mới có liên quan đến núi... đó là Thôi Đông Sơn. Tôi thấy phải gọi là Thôi Sàm* mới chuẩn xác. Thôi Sàm, Thôi Sàm (1), sông núi không phân chia, sông núi có ngày gặp lại, có thể xem như điềm tốt.
Ông lão quay đầu sang:
- Sao ngươi trở nên già như vậy rồi?
Thôi Sàm tự giễu nói:
- Hai mươi tuổi rời nhà, hai mươi bốn tuổi đi đến Trung Thổ Thần Châu, sau đó hơn trăm năm thăng trầm. Sau khi phản bội sư môn lại lang thang hơn ba mươi năm, vân du thiên hạ. Sau này trở lại Đông Bảo Bình Châu, còn ở vương triều Đại Ly nhiều năm như vậy. Người đã hai trăm tuổi rồi, đương nhiên không còn trẻ nữa.
Ông lão lắc đầu nói:
- Đây không phải là Sàm Sàm trong ấn tượng của ta.
Thôi Sàm cười cười, thản nhiên nói:
- Ông nội, biết không, từ trước đến giờ ông luôn như thế, cái gì cũng là “ta cảm thấy”, giống như tất cả mọi người và đạo lý trên đời đều vây quanh ông vậy. Có lẽ chỉ sau khi ông phát điên mới không như vậy nữa. Mặc dù tôi không rõ vì sao họ Thôi không nhốt ông lại, nhưng chuyến này ông tới tìm tôi, tôi không thấy có ý nghĩa gì với hai chúng ta cả.
Ông lão vẫn lắc đầu:
- Ta tới tìm tiên sinh của các ngươi.
Thôi Sàm cười nhạo nói:
- Lão tú tài? Ông ta đã sớm rời khỏi Đông Bảo Bình Châu, đi đến Nam Bà Sa Châu một chuyến, gây ra động tĩnh rất lớn. Ngay cả một vầng mặt trời trên vai lão tổ họ Trần Dĩnh Âm cũng bị ông ta trộm đi, hôm nay khiến cho cả thiên hạ đều xôn xao. Chỉ là hiện giờ không ai quản được lão tú tài, rất tiêu sái.
Ông lão cười nói:
- Lúc còn bé Sàm Sàm sẽ không nói những lời như vậy. Hắn sẽ nói xấu một người, nhưng cuối cùng sẽ thêm vào một câu, “có điều người nọ đối xử với người trong nhà rất tốt”, “có điều thơ từ của người nọ rất hay”, “có điều...”
Thôi Sàm hừ lạnh nói:
- Đủ rồi! Sách cũ lỗi thời, lật tới lật lui đều là bụi bặm.
Ông lão cười ha hả:
- Không hổ là quốc sư Đại Ly, nhân vật lớn nắm giữ xu thế của nửa châu.
Thôi Sàm thở dài.
Ông lão tự giễu nói:
- Chẳng trách khi đó không nhận ra ngươi, Sàm Sàm trong trí nhớ của ta quá khác biệt với ngươi bây giờ.
Thôi Sàm đứng lên, một tay vịn lan can nói:
- Lòng người như nước, nếu không động thì sẽ là nước đọng.
Ông lão chậm rãi đứng dậy:
- Ta nhìn ra được, ngoại trừ kiếm khách bên cạnh ngươi, trong trấn nhỏ còn có hai nhân vật lợi hại. Thế nào, là nhắm vào ngươi sao? Có cần ta làm gì không?
Thôi Sàm do dự một thoáng, nửa thật nửa giả nói:
- Vậy trước tiên phải xem ông có dám giết một thiên quân của Bắc Câu Lô Châu hay không.
Ông lão cười ha hả mấy tiếng.
Thôi Sàm quay đầu nhìn ông ta. Trong ký ức lúc còn trẻ, ông lão cũng hoàn toàn khác biệt với bây giờ. Khi đó lão tổ họ Thôi luôn chống gậy, tuổi già sức yếu, cả người có phong thái nho nhã trí thức.
Ông lão nhắm mắt lại, bắt đầu tìm kiếm khí tức của một người ở trấn nhỏ.
Trong ngõ Đào Diệp ở trấn nhỏ, nhà cũ của Tạ gia, Tạ Thực vẫn đang đợi câu trả lời của hoàng đế Đại Ly.
Tào Hi đến nhà thăm, Tạ Thực cũng lười giới thiệu lão ta. Tào Hi cũng không muốn tự biên tự diễn, cho nên trên dưới Tạ gia không ai biết được nội tình của vị phú ông này. Nhưng nếu đã là “bằng hữu” của lão tổ tông, Tạ gia cũng không dám sơ suất.
Tào Hi uống trà trong phòng lớn, liếc nhìn một đôi người nhỏ hương khói lung linh khả ái trốn trong tấm biển, đang ló đầu ra nhìn mình.
Tạ Thực không chịu nổi dáng vẻ của Tào Hi, đang định đuổi đi, bỗng niện hai người gần như đồng thời nhìn về hướng tây nam.
Tào Hi nheo mắt lại, giống như cười trên nỗi đau của người khác. Sắc mặt Tạ Thực vẫn tự nhiên, nhưng đáy lòng đã cảm thấy rung động.
Có võ phu ít nhất cảnh giới thứ chín đỉnh cao, khí thế từ núi lớn phía tây nam không kiêng nể gì “tuần tra” cả trấn nhỏ, cuối cùng tập trung vào Tạ Thực.
Chẳng biết từ lúc nào Hứa Nhược đã lặng lẽ xuất hiện ở ngõ Đào Diệp, kiếm đeo ngang sau người, thong thả tản bộ.
Phần lớn người đời chỉ biết, kiếm của Mặc gia hào hiệp Hứa Nhược coi trọng phòng ngự chứ không coi trọng thế công, kiếm chiêu cổ xưa, kiếm khí sâu xa, kiếm ý hùng hậu. Nhưng lại không hiểu được một chuyện, kiếm thuật thông thần của hắn rốt cuộc vẫn là dùng để giết địch, làm sao có thể “cầm kiếm tức là bất bại”?
Du hiệp Mặc gia hoành hành thiên hạ, mặc dù tôn chỉ là trừ bạo giúp kẻ yếu, nhưng dù là giang hồ hay sa trường, sát lực của con cháu Mặc gia tuyệt đối không thấp. Cho nên Mặc gia là tu sĩ được võ tướng chiến trường coi trọng dựa dẫm nhất ngoài Binh gia.
Nguyễn Cung đang rèn sắt trong tiệm rèn, động tác bỗng hơi ngừng lại.
Tạ Thực uống một ngụm trà, nhìn ra xung quanh. Ngay khi ông ta muốn đặt ly trà xuống mặt bàn, nơi cửa sổ mái nhà bỗng có một con chim sẻ nhỏ vù một cái bay đến, đậu trên vai Tạ Thực, mổ nhẹ vào quần áo của ông ta.
Con chim sẻ này Trần Bình An đã từng thấy, Tề Tĩnh Xuân đã từng thấy, trên thực tế rất nhiều dân chúng trấn nhỏ đều từng thấy.
Tào Hi lộ vẻ nghi hoặc, sau đó lập tức tái mặt, cuối cùng trán đổ mồ hôi, gương mặt tươi cười nhợt nhạt, vừa kính sợ vừa có phần vui mừng.
Hứa Nhược thở dài một tiếng, buông tay cầm chuôi kiếm, cảm thấy kiếm của mình có xuất ra hay không kết quả đều như nhau, vẫn là quá chậm.
Nguyễn Cung tiếp tục vùi đầu đúc kiếm.
Chỉ có ông lão trên lầu trúc ở núi Lạc Phách cất tiếng cười lớn, chiến ý hiên ngang.
- --------
Chú thích:
(1) Chữ “Sàm” đầu tiên là tiếng nước chảy, chữ “Sàm” thứ hai là núi cao hiểm trở. Từ nay sẽ thêm dấu * vào sau chữ Sàm thứ hai cho dễ phân biệt.
Chương trước Chương tiếp
Loading...