Đọc truyện online, đọc truyện chữ, truyện full, truyện hay. Tổng hợp đầy đủ và cập nhật liên tục.

Xuân Nhật Du - Xuân Khê Địch Hiểu

Chương 5



Kỷ Vân Đồng ra khỏi Cố gia, ngồi trên xe ngựa không nhịn được mà xoa bàn tay đã đánh người của mình.
Đánh Cố Nguyên Phụng một cái tát thật sảng khoái, chỉ là hơi đau tay. Nàng phải chọn một cây roi cầm thuận tay, sau này mang theo phòng khi cần mới được.
Hôm nay thật là xui xẻo, Kỷ Vân Đồng dặn phu xe đi tới chùa một chuyến, thắp một nén nhang trừ tà.
Xe ngựa vừa dừng trước cửa chùa lại gặp một đôi mẹ con quen thuộc, chủ mẫu Hứa gia và đại cô nương nhà bà ấy.
Tài năng của đại cô nương Hứa gia nức tiếng gần xa, nổi danh vì tài văn thơ hội họa, hơn nữa tính tình lại dịu dàng, có tri thức, hiểu lễ nghĩa, xứng đáng là tấm gương của danh môn quý nữ ở Kim Lăng.
Thật ra hai đời trước, tổ phụ hai nhà đều là xuất thân từ võ tướng.
Khác biệt ở chỗ tổ phụ Hứa gia phát đạt rồi vứt bỏ phát thê để cưới nữ nhi của đại nho, nữ nhi bà ấy sinh ra đều được đại nho đích thân dạy dỗ.
Còn tổ phụ Kỷ gia không chỉ chung sống với phát thê đến già mà còn ép nhi tử thực hiện hôn ước, cưới vị hôn thê đã mồ côi cha mẹ, không có nhà mẹ đẻ nương tựa.
Có lẽ lựa chọn của tổ phụ Hứa gia là đúng, con cháu Hứa gia bây giờ ra ngoài ai cũng khen ngợi, còn Kỷ gia thì dần trở thành trò cười.
Chỉ có điều tai tiếng của gia đình lại giúp cha nàng gặp nhiều may mắn trên đường làm quan. Mới ba mươi mấy tuổi đã là Tướng soái nơi biên cương, sau này nếu cố gắng còn có thể vào triều làm tướng cũng không chừng.
Đó là vì Hoàng thượng đương triều có bệnh đa nghi nặng, nếu ngươi là một người hoàn mỹ không có chỗ nào để chê, ngài sẽ chỉ nghi ngờ ngươi có ý đồ khác.
Còn như cha nàng, người có vài tai tiếng không lớn không nhỏ, không có duyên kế thừa tước vị nhưng lại là một tài năng xuất sắc, là kiểu người mà Thánh thượng đương triều thích nhất.
Khi cha ở nhà giữ tang, Kỷ Vân Đồng đã cố tình quan sát cách hành sự hàng ngày của ông, thậm chí còn hình thành thói quen đọc công báo với cha mình.
Những việc này tuy không có ích lợi gì cho một tiểu thư khuê các nhưng lại giúp Kỷ Vân Đồng dần mở rộng tầm mắt.
Nàng có chút nghi ngờ cha mình cố ý để mặc đại bá làm bậy. Dù sao trong mắt người ngoài, người làm đệ đệ như ông cũng không thể quản được chuyện riêng của huynh trưởng, bởi vậy mới để mặc đại bá làm ra chuyện hoang đường “con thừa tự” hai nhà kia.
Phải biết rằng người khác muốn làm con thừa tự đều là chọn một đứa trẻ làm con nuôi hai nhà, đại bá thì chẳng giống tẹo nào, đại ca lại ngủ ở phòng em dâu.
Có lẽ sau khi tổ phụ qua đời, ông ấy cảm thấy mình cuối cùng thoát khỏi sự kìm kẹp, có thể thực hiện ước mơ từ thời niên thiếu… Ông vốn không thích người vợ mà tổ phụ ép cưới, luôn cảm thấy ghen tỵ với mấy đệ đê có thể cưới được vợ xuất thân tốt, nhan sắc xinh đẹp.
Còn về tam thẩm...
Kỷ Vân Đồng cũng không biết nói sao, nàng biết thời đại này người không bị cha mẹ quản thúc như nàng chẳng có mấy ai, có được tiền riêng của mình lại càng hiếm.
Nhiều người khi ở nhà được dạy "cha mẹ còn, không có tài sản riêng", lúc xuất giá lại được dạy "xuất giá tòng phu, lấy chồng rồi chồng là trời".
Cha mẹ tam thẩm đã bệnh qua đời, huynh tẩu lại không ưa bà. Nếu bà mang của hồi môn về nhà mẹ đẻ chắc chắn sẽ không có đươc ngày tốt đẹp nào nên ban đầu tam thẩm chọn ở lại Hầu phủ thủ tiết. Sau đó không chịu nổi lời khuyên của tộc trưởng, đại bá dụ dỗ, bà dần dần chấp nhận chuyện thừa tự hai nhà.
Khi hai người có con, bà đã nghĩ đến việc giữ chặt lòng đại bá.
Nói cho cùng, vẫn là muốn tìm cho mình một chỗ dựa.
Dù biết chỗ dựa này không đáng tin nhưng do sự dạy dỗ từ nhỏ đến lớn được tiếp nhận khiến bà vô thức hy vọng như vậy.
Nói cho cùng, đây là một mớ lộn xộn.
Mấy người này ngay cả việc của mình còn không rõ ràng, đừng mong họ có thể dành công sức giáo dục con cái.
Kỷ Vân Đồng thở dài, không nghĩ tiếp nữa.
Nàng nở nụ cười chào đại cô nương Hứa gia từ xa, không có ý định tiếp tục chào hỏi, chuẩn bị vào chùa sớm để thắp hương.
Nàng lớn lên dưới sự dạy bảo của tổ mẫu, mà tổ mẫu nàng vốn là điển hình của việc "không có việc không lên Tam Bảo", chỉ khi muốn cầu gì mới dẫn nàng đi lễ Phật nên thái độ của nàng đối với việc đến chùa cũng là "có chuyện mới đến".
Không thể không nói, giáo dục bằng lời nói và hành động quả thật là phương pháp giáo dục hiệu quả nhất. Dù Kỷ Vân Đồng không đồng ý với nhiều suy nghĩ và cách làm của tổ mẫu mình nhưng đôi khi vẫn không tự chủ được mà học theo cách hành sự của bà.
Nghe nói khi mẹ nàng mang thai nàng đã từng bị tổ mẫu hành hạ, có lẽ đó cũng là một trong những lý do mẹ nàng không thích nàng.
Thứ nhất là nàng không thường được mẹ dẫn theo bên mình, thứ hai là mẹ nàng cho rằng nàng đã bị tổ mẫu "dạy hư".
Một cô nương bị "dạy hư" bởi bà mẹ chồng ác độc, làm sao có thể so sánh với hai nhi tử được mẹ đích thân dạy dỗ.
Kỷ Vân Đồng đang suy nghĩ, bỗng nghe thấy tiếng của đại cô nương Hứa gia phía sau: "Ngày 15 cô nương có rảnh không?"
Kỷ Vân Đồng nghĩ rằng chắc chắn người này không nói chuyện với mình, vì vậy nên không dừng chân.
Nhưng sau đó nàng lại nghe thấy tiếng bước chân của đuổi theo đối phương cùng với tiếng gọi "Kỷ Tam".
Họ chưa từng gọi nhau bằng nhũ danh nên đại cô nương Hứa gia chỉ có thể gọi nàng theo thứ tự huynh đệ tỷ muội trong Kỷ gia.
Kỷ Vân Đồng quay đầu nhìn đại cô nương Hứa gia.
Đại cô nương Hứa gia thấy cuối cùng nàng cũng dừng lại, không khỏi điều chỉnh hơi thở hơi rối loạn của mình, sau đó mới hỏi lại: "Ngày 15 cô nương có rảnh không?"
Kỷ Vân Đồng và đối phương vốn không có giao tình, nghe nàng ấy hỏi vậy chỉ thấy kỳ lạ, không khỏi hỏi: "Có rảnh thì sao?"
Đại cô nương Hứa gia nói: "Ngày 15 là sinh thần của ta, ta sẽ tổ chức tiệc tại Mai Viên, mời toàn những cô nương cùng tuổi. Nếu cô nương có thời gian rảnh rỗi, phủ ta rất hân hạnh được đón tiếp cô nương?" Nhìn thôi cũng thấy rõ ràng nàng ấy không phải là người thường hay chạy nhảy, lúc nói chuyện đầu mũi và tai đều hơi đỏ, rất đáng yêu.
Kỷ Vân Đồng không ngờ đại cô nương Hứa gia lại mời mình đến dự tiệc.
Trước đây nàng chỉ một lòng chạy theo Cố Nguyên Phụng, không có tỷ muội khuê mật. Vừa hay lời mời này của đại cô nương Hứa gia này lại cho nàng một cơ hội kết giao với những người cùng trang lứa.
Kỷ Vân Đồng mỉm cười: "Được, đến lúc đó ta sẽ đến."
Đại cô nương Hứa gia nghe vậy liền lấy ra một tấm thiệp mời.
"Những năm trước cô nương đều không nhận thiệp của người khác, ta còn nghĩ xem làm sao để đưa tận tay cho cô nương, may mà hôm nay gặp được ở đây." Đại cô nương Hứa gia mừng rỡ nói.
Trong lòng Kỷ Vân Đồng lại có chút nghi ngờ, cảm thấy hình như mình đã bỏ lỡ điều gì đó. Sao nàng lại cảm thấy nàng và một "khuê nữ gương mẫu" như đại cô nương Hứa gia đã từng gặp nhau rồi nhỉ.
Nhưng nàng thực sự không có ấn tượng gì cả.
Mặc dù nghi ngờ nhưng Kỷ Vân Đồng vẫn nhận thiệp mời.
Vì đã đồng ý đến dự tiệc sinh thần của người ta nên Kỷ Vân Đồng không tiện trở mặt ngay lập tức, đành đi thắp hương cùng hai mẹ con Hứa gia, còn kiên nhẫn nghe một ít về Phật pháp.
Mẹ Hứa có con cái hiếu thuận, cuộc sống viên mãn, thấy Kỷ Vân Đồng tự mình dẫn theo người hầu đến thắp hương, trong lòng không khỏi cảm thấy thương xót.
Những chuyện nhà của Kỷ gia ai cũng biết. Từ nhỏ Kỷ Vân Đồng đã không lớn lên bên cạnh cha mẹ, tổ phụ tổ mẫu đều đã qua đời, trong nhà không có trưởng bối nào có thể làm chủ cho nàng cả.
Trên đường về, mẹ Hứa nói với nữ nhi nhà mình: "Con bé thật là một đứa trẻ đáng thương, những năm qua trong nhà không có trưởng bối nào đưa con bé lộ diện ra bên ngoài. Đến lúc đó con hãy giới thiệu cho con bé nhiều chút."
"Nàng ấy không đáng thương."
Đại cô nương Hứa gia phản bác.
Mẹ Hứa hơi sửng sốt, không ngờ nữ nhi lại cãi lời mình.
Đại cô nương Hứa gia buông tay khỏi rèm xe, quay đầu nhìn mẹ với vẻ mặt nghi hoặc. Nàng kìm lại cảm xúc không cẩn thận để lộ, nhẹ giọng lặp lại: "Con nghĩ nàng ấy không đáng thương."
Chắc chắn Kỷ Vân Đồng cũng không thấy mình đáng thương.
Từ nhỏ Kỷ Vân Đồng đã biết mình muốn gì và luôn cố gắng để đạt được điều mình muốn. So với việc bị nhốt trong lồng mà không hay biết, để người khác cắt đi đôi cánh của mình từng chút từng chút một mới là đáng thương.
Kỷ Vân Đồng không biết về cuộc nói chuyện giữa hai mẹ con Hứa gia, nàng ngồi xe ngựa của nhà mình trở về phủ, nghe nói Lưu ma ma đang đợi mình.
Lục Khởi cởi áo choàng giúp Kỷ Vân Đồng, cười nói: "Chắc bà ấy phát hiện tiền phu nhân cho không đủ mua hết lễ vật trong danh sách rồi."
Nhiều thứ tốt nếu không chuẩn bị trước, giá gấp mười lần, gấp tám lần cũng chưa chắc đã mua được.
Kỷ Vân Đồng đưa tay búng trán Lục Khởi một cái, bảo em ấy đừng tỏ vẻ hả hê trước mặt Lưu ma ma.
Dù nàng cũng không thích người này nhưng dù sao đối phương cũng là ma ma được mẹ tin tưởng, chỉ cần cảnh cáo một chút là đủ, không cần phải thật sự trở mặt.
Giữa hai mẹ con nàng cũng không có thù hận sâu đậm gì.
Kỷ Vân Đồng đi đến nơi xử lý việc bên ngoài, ngồi xuống uống một ngụm trà ấm Thanh La đưa rồi mới hỏi Lưu ma ma tìm mình làm gì.
Lưu ma ma tỉ mỉ so sánh danh sách lễ vật mấy năm qua. Bà biết nếu không tính toán kỹ lưỡng, chuẩn bị tốt, số tiền phu nhân cho chắc chắn không đủ để có được một danh sách lễ vật tốt.
Bà ấy lo lắng cả buổi chiều, đầu óc dần dần tỉnh táo lại: đại tiểu thư Kỷ gia có một hôn sự quý giá như vậy làm sao có thể để mắt đến mấy thứ nhỏ nhặt trong nhà? Người ta vốn không thèm tham lam mấy thứ đó.
Chỉ là đại tiểu thư xa mẹ, bên cạnh mẹ lại có người xúi giục mới đi một nước cờ ngu ngốc như vậy.
Giữa mẹ con vốn không có tình cảm gì, lần này chắc chắn sẽ càng xa cách hơn.
Lưu ma ma chỉ muốn nhanh chóng hoàn thành việc, về khuyên nhủ phu nhân của mình.
Lưu ma ma là người biết điều, bà nói với Kỷ Vân Đồng không ít lời hay, còn nói phu nhân thực sự rất nhớ nàng v.v...
Trong đó có bao nhiêu là thật lòng, bao nhiêu là giả dối cả hai đều biết rõ.
Kỷ Vân Đồng đã qua tuổi cầu xin được cha mẹ yêu thương, thấy Lưu ma ma đã mềm lòng nàng cũng không làm khó bà ấy, gọi người dẫn bà ấy đi lấy những lễ vật đã đặt trước.
Đều là những cửa hàng quen biết, không chỉ sẵn lòng giữ đồ tốt cho nàng mà giá cả còn rẻ hơn bên ngoài.
Sau khi tiễn Lưu ma ma, cuối cùng Kỷ Vân Đồng cũng thở phào nhẹ nhõm.
Cả ngày nay nàng bận hết việc này đến việc khác, thật không có lúc nào được yên tĩnh.
Nghĩ đến ngày 15 phải đi dự tiệc, Kỷ Vân Đồng cùng với Thanh La và những người khác liền chọn lựa y phục và trang sức cho ngày hôm đó.
Nàng đang phân vân không biết nên mặc áo đỏ rực rỡ hay là mặc áo vàng nhạt khiêm tốn thì nghe nói Cố Nguyên Phụng đến.
Tiểu nha hoàn vừa truyền lời, Cố Nguyên Phụng đã không khách khí vén rèm châu bước vào.
Chương trước Chương tiếp
Loading...