Vu Thanh - Hoa Quyển
Chương 59
Đông đi xuân tới lại thêm một năm, bước vào mùa hè, ánh nắng tháng Sáu rực rỡ mang theo cái nóng như thiêu đốt bao phủ võ đài rộng lớn của thư viện Bình Lam.
Đã là giờ Thân nhưng mặt trời vẫn cao chót vót, giáo trường hết sức náo nhiệt, thỉnh thoảng vang lên tiếng reo hò mang lại sức sống cho thư viện nổi tiếng là "yên tĩnh trang nghiêm đoan chính" của Giang Châu này. Sĩ tử đi ngang qua tò mò nhìn sang, trông thấy một quả bóng vút lên cao, chưa kịp rơi xuống đất thì một thiếu niên mặc đồ xanh trắng nhảy lên rồi nhanh nhẹn xoay người đá bay quả bóng kia, sau đó hét to, "Đón lấy này!"
Thiếu niên này vừa xinh đẹp vừa phóng khoáng, mấy sĩ tử tò mò nhìn sang không khỏi trầm trồ rồi đến gần võ đài hơn.
Đến gần mới phát hiện các thanh niên trên giáo trường đều là tú tài của thư viện Bình Lam, dù mặc đồ xanh trắng hay đỏ trắng thì trên đai đeo trán của sĩ tử đều vẽ hoa. Thư viện Bình Lam phân chia theo học vị, cử nhân thêu hoa mai, tú tài thêu hoa lan, đồng sinh thêu lá trúc, vỡ lòng thêu hoa cúc, nhìn kỹ lại trên đai đeo trán kia thêu hình hoa lan.
Hai đội trên giáo trường chơi bóng hăng say, người đến xem náo nhiệt rất đông, mấy sĩ tử đi ngang qua cũng rành bóng đá, nhìn một hồi đã nhận ra mấy người giữa sân.
Đây đều là những người có khả năng đậu kỳ thi Hương sang năm, trong đó có học trò cưng Giang Vu Thanh của Trương phu tử, còn thiếu niên nhận bóng kia là con út Sở Ngôn của Sở gia, Trần Ngọc Sênh ở Lâm Châu, mấy người này đều là những gương mặt nổi bật trong lớp tú tài. Giang Vu Thanh và Sở Ngôn thi đậu tú tài hai năm trước, lúc đó trong thư viện chẳng ai xem trọng Giang Vu Thanh, thấy y được Trương phu tử nhận làm đệ tử thì càng bất mãn hơn.
Nào ngờ y đậu cả thi huyện, thi phủ và thi viện. Nhưng lúc đó không rõ thứ hạng nên ngoài các đồng môn biết y học vỡ lòng muộn thì rất ít người chú ý đến Giang Vu Thanh. Năm ngoái y đứng nhất trong kỳ thi hàng năm do học chính mới chủ trì, còn được học chính tân nhiệm khen ngợi, từ đó các sĩ tử trong thư viện mới biết đến y, hai năm nay những bài văn của y và Sở Ngôn liên tục được dán lên tường thư viện cho các sĩ tử đọc.
Trận bóng đến hồi gay cấn, hai bên đang giằng co thì Sở Ngôn làm động tác giả để đội đỏ tưởng hắn muốn chuyền bóng cho Trần Ngọc Sênh, sau đó lại quay đầu chuyền bóng cho Giang Vu Thanh.
Bọn họ đã học chung mấy năm nên hết sức ăn ý, thấy đối phương bị Sở Ngôn làm phân tâm, Giang Vu Thanh giơ chân móc bóng, đang định đá ra xa thì thấy Chu Lê Thăng phản ứng cực nhanh muốn cản y lại, Giang Vu Thanh nhếch miệng cười với hắn, quả bóng bay vút lên, vòng qua Chu Lê Thăng rồi lao thẳng vào cầu môn của đối phương.
Đúng lúc này, tiếng trống vang lên, trận đấu kết thúc.
Hai phe bên thì reo hò bên thì rầu rĩ, người trên sân luôn miệng khen hay.
Trần Ngọc Sênh cười hì hì đi tới, huých vai y một cái rồi nói: "Tuyệt lắm!"
Giang Vu Thanh cười: "Nhờ A Ngôn chuyền bóng giỏi thôi."
Sở Ngôn bị bọn họ tung lên cao mấy lần, chân vừa chạm đất thì la lên: "Sao lúc nào cũng ném ta thế!"
Giang Vu Thanh và Trần Ngọc Sênh cười ha ha, Trần Ngọc Sênh nói: "Ngươi còn nhỏ nhưng lại là công thần của chúng ta, không ném ngươi thì ném ai?"
Mấy người đang nói chuyện thì một đám sĩ tử mặc đồ màu đỏ trắng đi tới, dẫn đầu là Chu Lê Thăng, hắn nói: "Gặp may thắng một lần có gì đáng mừng chứ, có ngon thì lần sau chúng ta đấu "trúc cầu" đi."
Bóng đá thời này có rất nhiều cách chơi, hôm nay bọn họ chơi kiểu đá bóng vào hai cầu môn. "Trúc cầu" mà Chu Lê Thăng nói là đặt một cầu môn cực nhỏ trong sân, đây cũng là cách chơi phổ biến nhất trong thư viện. Chu Lê Thăng học chỉ tầm tầm nhưng lại đá bóng rất giỏi, độ chính xác cao, được xưng tụng là "vua bóng đá" ở Giang Châu.
Nghe vậy Sở Ngôn hất cằm nói: "Bớt lắm lời đi, hôm nay các ngươi thua, chẳng lẽ không muốn nhận hả?"
Trên sân đều là thiếu niên mười bảy mười tám tuổi, máu huyết sôi trào, nghe hắn khích bác thì đỏ mặt cãi lại: "Có chơi có chịu! Ai không nhận chứ!"
Trần Ngọc Sênh và Sở Ngôn nhìn nhau, âm thầm vui vẻ, nói với Giang Vu Thanh: "Vu Thanh, đồ chuẩn bị xong chưa?"
Giang Vu Thanh cười nói: "Xong rồi, buổi trưa hỏi xin bột mì của Trâu sư phụ ở nhà ăn, Ngũ Lang đi lấy rồi."
Khi túi bột mì được đem tới, hai bên vạch một đường ở giữa làm mốc rồi chắp tay chào nhau, Trần Ngọc Sênh bốc một nắm bột mì hô hào: "Các huynh đệ, ném bọn họ đi!"
Các sĩ tử trong thư viện đã quá quen với cảnh này, phong độ thư sinh ngày thường đều mất sạch, vừa hét vừa trốn, cả đám người như lang như hổ nhào tới, bột mì bay đầy trời, tiếng gào thét xen lẫn tiếng cười to.
Chẳng có gì ngạc nhiên khi Chu Lê Thăng bị vây chặt.
Hai năm nay Chu Lê Thăng đã trổ mã, mặt mày dần định hình, tướng mạo thanh tú có thể gọi là "đẹp như mỹ nữ". Nhưng Chu Lê Thăng không thích nghe người khác bàn tán về ngoại hình của mình, mỗi lần nghe thấy đều xắn tay áo xông tới đánh, nếu không phải hiệu sách của Chu gia mỗi năm đều tặng thư viện rất nhiều sách, e là hắn đã bị đuổi học từ lâu.
Khi Chu Lê Thăng thoát ra khỏi đám người thì trên mặt không còn phân biệt được đâu là mắt mũi.
Giang Vu Thanh đau lòng nói: "Đây là bột mì thượng hạng đó, hay lần sau đổi sang tro bếp nhỉ?"
Chu Lê Thăng nghe vậy thì điên tiết quát: "Giang Vu Thanh!" Hắn gào to làm bột mì rơi xuống ào ào.
Đừng tưởng hắn không biết Giang Vu Thanh và Sở Ngôn ném hắn nhiều nhất, quả nhiên chẳng có chút tình đồng môn nào, mặc dù bây giờ bọn họ không còn học chung nữa. Giang Vu Thanh và Sở Ngôn đậu tú tài cùng năm, lại là nhân tài kiệt xuất trong số các tú tài nên được học ở viện Ninh Trí trong thư viện.
Chu Lê Thăng muộn hơn bọn họ một năm, lại đậu vớt nên bị xếp vào viện Tế Đức.
Sở Ngôn suy tư giây lát rồi nhìn chằm chằm Chu Lê Thăng, cười nói: "Tro bếp cũng được ——"
Chu Lê Thăng cả giận: "Các ngươi cứ chờ đó, lần sau mà thua chúng ta thì ta sẽ đem tro bếp tới chào hỏi các ngươi!"
Trần Ngọc Sênh mỉm cười xen vào: "Xin cung kính chờ đợi."
Chơi xong đã gần giờ Dậu, Trần Ngọc Sênh bảo Giang Vu Thanh: "Thành Đông mới mở một quán trà tao nhã lắm, đúng lúc ngày mai được nghỉ, ta và A Ngôn định tới đó xem thử, Vu Thanh, ngươi đi không?"
Giang Vu Thanh hơi do dự, Sở Ngôn nói: "Ta nghe Nhị ca nói quán trà kia có mấy bức tranh khá đẹp, trong đó có một bức nghe nói do hòa thượng Lê tự tay vẽ, đi đi mà Vu Thanh, cái này hiếm có lắm đấy."
Giang Vu Thanh nghĩ ngợi rồi hỏi: "Cũng được, khi nào đi?"
Trần Ngọc Sênh đáp: "Ngày mai."
Giang Vu Thanh gật đầu đáp ứng.