Viện Điều Dưỡng Đồng Xanh - Lan Đạo Tiên Sinh
Chương 10
Truyện: Viện điều dưỡng Đồng Xanh – Bệnh nhân London.
Tác giả: Lan Đạo Tiên Sinh.
Editor: Aminta.
Chương 10
***
Khi đó tôi còn không biết Auschwitz là nơi nào, mục đích của nó là gì. Trại tập trung ở đâu cũng tàn nhẫn, tối tăm như nhau thôi. Tôi đồng ý với Behaim, lúc tôi chuẩn bị rời đi, gã đưa cho tôi hai ổ bánh mì và một hộp thịt.
"Ăn nhiều một chút đi, cậu sẽ cần đấy."
Tôi dùng giấy báo gói kỹ đồ ăn, rời khỏi phòng điều trị. Không thể để bất cứ kẻ nào biết mình có nhiều lợi ích hơn, những kẻ địch cần phải đối mặt không chỉ là những tên Kapo và bác sĩ, mà còn cả những tù nhân giống anh.
Ngày mai tôi sẽ rời khỏi nơi này, trong tám tháng ở đây tôi đã thấy rất nhiều chuyện không công bằng, những cách đối xử không phải con người, vì để sống sót tôi sẽ không từ thủ đoạn. Tôi quen biết Schulz, Lukasz và cả Rehau. Bây giờ tôi phải rời đi, rời khỏi Pháp đến một nơi tôi chưa từng nghe thấy.
Dưới gốc cây thứ bảy bên trái doanh trại.
Tôi còn một vật quan trọng chưa lấy. Bởi vì sự "chăm sóc" đặc biệt của Behaim, ngày nào tôi cũng có thời gian hoạt động tự do, tuy không lâu nhưng đủ để tôi lấy bản nhạc. Khi đi ngang qua doanh trại, tôi thấy bản thân qua ô cửa sổ không mấy sạch sẽ.
Hai gò má hóp lại, dưới mắt có quầng thâm đen xì, da thịt trắng bệch không có sức sống. Tóc dài đến bả vai, quần áo cũng cáu bẩn, trông như là tên nhặt ve chai lang thang trên đường phố Alsace. Tôi lấy đồ ăn cất trong ngực ra, kéo áo sơ mi, gần như không thể tin được đó là tôi.
Tôi vốn không mập, nhưng mấy tháng nay tôi gầy đi trông thấy, nhìn y chang một sợi đay. Tôi bây giờ như một cái xác không hồn.
Tôi nhặt đồ ăn lên, ôm chúng vội vàng đi đến nơi cần đến.
Gió hè thổi nhẹ qua lá cây, chúng khẽ đung đưa phát ra tiếng xào xạc. Tôi thật sự muốn nằm dưới gốc cây nghỉ ngơi một hồi rồi mới đi. Tôi nhớ khi còn bé, trong cô nhi viện cũng có một cây đại thụ, tôi và Carl thường xuyên tới chỗ đó chơi sau khi ăn trưa. Có khi chúng tôi sẽ chơi cả buổi chiều. Ánh nắng xuyên qua lá cây rơi trên mái tóc nâu nhạt của Carl, sau đó lại biến mất. Quãng thời gian ấy thật là vô tư.
Tôi không có xẻng nên chỉ có thể đào tay không. Cũng may chỗ đất ấy đã mềm vì trời mưa nên khá dễ đào. Đào không sâu mấy tôi đã tìm thấy một cái túi nhựa, xem ra Schulz cũng không chôn quá sâu vì thể lực không tốt của cậu ta.
Tôi mở túi nhựa ra, bên trong là mấy tờ giấy giống hệt tời giấy Schulz đưa tôi xem trong tù nhưng nó đã ố vàng. Tôi lại cất nó vào túi nhựa, giữ chặt nó trong ngực, ngồi tựa vào gốc cây.
Tôi còn nhớ rõ giọng của Schulz và giai điệu bản nhạc giống lời thì thầm của tình nhân này. Nhưng rốt cuộc tình nhân của cậu ta lại không thể nghe. Tôi che mắt lặng lẽ rơi lệ vì cậu ta.
Mãi đến khi Behaim tới thúc giục tôi dọn đồ đạc, tôi mới xoa mặt, chuẩn bị trở về doanh trại để dọn.
Tất cả mọi người trong doanh trại nằm ngã trái ngã phải, không ai để ý đến tôi, từ sau khi Schulz chết, tôi chẳng còn quen biết ai ở chỗ này. Họ cũng gầy như que củi, khô héo bất lực, nhưng họ sẽ ở lại nơi này, tuy tôi không biết số phận của mình sẽ ra sao, nhưng hi vọng thì vẫn có. Tôi muốn tiếp tục sống, bất kể là dùng cách gì, có lẽ chiến tranh sắp kết thúc rồi.
Sáng sớm ngày hôm sau, tôi và Behaim cùng đi lên chiếc xe lửa đến Auschwitz. Đoàn tàu rất dài giống như không có điểm cuối, hai bên đường ray là bãi cỏ xanh mơn mởn, thậm chí có hoa dại nở rộ, không biết vì sao tôi lại bắt đầu cảm thấy bất an.
Nhưng tôi không nghe lời gã. Tôi thấy được mấy người nhô đầu ra và những đôi mắt thẫn thờ ở khoang xe mở rộng phía sau. Sau đó Behaim kéo tôi lên xe lửa như kéo một mảnh vải nhẹ tênh.
"Họ là ai?" Tôi hỏi.
"Người Do Thái." Gã trả lời ngắn gọn, giọng tràn đầy chán ghét, sau đó gã chuyển sang hỏi tôi: "Cậu vẫn chưa ăn à?"
Tôi móc ra đồ hộp từ trong hành lý. Tôi thực sự không nỡ.
"Mau ăn nó đi." Gã ra lệnh, dùng công cụ mở hộp ra: "Ngay bây giờ."
Tôi không hiểu vì sao gã lại gấp gáp như vậy.
"Nếu cậu không muốn chết thì ăn nhanh một chút." Gã nhíu mày và lại lấy ra một ổ bánh mì nhét vào miệng tôi: "Trong mấy ngày nay tôi sẽ cho cung cấp đủ thức ăn cho cậu, trước khi đến trạm, cậu phải khiến bản thân khỏe mạnh hơn một chút."
Sau đó gã lại giơ tay thả tóc tôi xuống trán và chỉnh sửa một chút: "Đừng để lộ vết sẹo của cậu."
"Sau lưng tôi... cũng có sẹo." Tôi vừa nhai bánh mì vừa trả lời gã một cách không rõ ràng. Sắc mặt của gã lập tức thay đổi, gã bắt tôi xoay lưng lại và vén áo tôi lên, vết sẹo thật dài lộ rõ trước mặt gã.
Vẻ khó xử xuất hiện trên mặt Behaim: "Khó rồi đây."
"Sao vậy?" Tôi hỏi gã, giọng gã rất nghiêm túc, tôi cũng rất căng thẳng, trái tim như co lại thành một quả cầu nhỏ và run rẩy kịch liệt.
Gã để tôi ăn xong rồi bảo tôi nằm sấp lên giường, sau đó gã lấy ra một con dao giải phẫu từ trong cái rương nhỏ mang theo, bàn tay lạnh như băng véo áo tôi lên, con dao không có nhiệt độ đâm xuống vết sẹo của tôi.
Tôi la làng suýt nữa đã nhảy dựng lên, nhưng gã đè tôi lại, nói một cách đánh tin: "Nếu không muốn chết thì chịu đựng đi." Tôi chỉ có thể chịu đưng. Bắt đầu từ dao thứ nhất, gã vạch dọc theo vết sẹo của tôi, cơn đau trong quá khứ tái diễn một lần nữa, chuyện cũ lại hiện rõ mồn một trước mắt tôi. Năm đó khi ôm lấy Carl, tôi không hề thấy đau, mà bây giờ cơn đau đang giằng xé mỗi một tấc thần kinh của tôi, tôi muốn khóc, nước mắt đảo quanh trong hốc mắt.
Ngoại trừ Rehau ra, tôi chưa bao giờ cho ai thấy vết sẹo này, ngay cả Carl cũng không. Tôi sợ cậu ấy sẽ day dứt do tôi bị thương là vì cậu ấy.
Nhưng may mắn thay, cuộc tra tấn này cũng không kéo dài quá lâu. Gã lau sạch vết máu sau lưng tôi, rồi giúp tôi bôi thuốc, băng bó lại. Tôi cảm thấy cực kỳ bất ngờ, tôi cho rằng gã chỉ muốn tra tấn tôi mà thôi, không ngờ gã sẽ chữa trị giúp tôi.
"Sao anh lại làm thế?" Tôi chùi mồ hôi lạnh trên đầu, chỉnh tóc tai đàng hoàng, mặc quần áo vào và cố gắng hết sức hỏi một câu.
"Cậu sẽ biết nhanh thôi." Gã dìu tôi dậy, cố không đụng vào miệng vết thương của tôi: "Đừng để dính nước, đừng dựa vào tường."
Một tiếng thét chói tai của phụ nữ vang lên từ khoang xe phía sau. Tôi giật nảy mình, mà Behaim thì sửa sang thiết bị y tế của mình giống như là không nghe thấy.
"Tiếng la lúc nãy... Anh có nghe thấy không?"
"Mấy con đàn bà điên đó có nhiều lắm." Gã nói, giọng hoàn toàn lạnh lùng.
Tôi không thể nào biết được tình cảnh bi thảm của người Do Thái ở khoang xe phía sau, sau này tôi tận mắt thấy tất cả, điều này khiến tôi may mắn vì hôm nay mình đã không thấy cảnh ấy.
Chúng tôi đến nơi vào một buổi tối một ngày nào đó. Tôi nhìn thấy lưới sắt kéo dài vô tận từ phía xa, mấy ống khói còn đang bốc khói ngùn ngụt đứng sừng sững trong đó. Xe lửa ngừng lại, tôi bị Behaim mang xuống xe, không ai đánh tôi cả, bởi vì bác sĩ đang đứng bên cạnh tôi, nắm lấy tay tôi.
Trong không khí tràn ngập một mùi hương khó ngửi, tôi che miệng nôn khan vài lần, suýt nữa đã ói hết bánh mì mới ăn ra. Rốt cuộc họ đang đốt cái gì?
Tôi quay đầu nhìn khoang xe người Do Thái phía sau. Họ bị mấy người mặc quần áo kẻ sọc và quần áo đen lùa xuống xe, tôi thấy họ đã khá mệt mỏi, có vài người còn không đứng vững.
"Nơi này là Birkenau, trại tập trung số hai." Behaim nói cho tôi biết, sau đó gã dùng sức vỗ vỗ mặt tôi: "Bây giờ trông hồng hào hơn nhiều rồi đó." (Trại tập trung Auschwitz bao gồm Auschwitz I (trại đầu tiên), Auschwitz II – Birkenau (tổ hợp trại tập trung và trại hủy diệt), Auschwitz III–Monowitz (trại lao động cung cấp nhân lực cho nhà máy của IG Farben), và 45 trại vệ tinh. Trại Birkenau gồm bốn lò thiêu xác và hàng trăm tòa nhà khác được lên kế hoạch và thực hiện.)
"Tôi sẽ bị mang đến đâu?"
"Sau khi qua tuyển chọn, cậu có thể sẽ ở bên cạnh tôi." Gã nói: "Tôi chỉ có thể làm đến vậy thôi."
Đúng vậy, chuyện gã có thể làm chỉ đến vậy. Nếu như không có gã, mấy ngày trước tôi đã bị tiêm thuốc, bị ném vào hố chôn của trại tập trung Schirmeck.
Bên dưới ống khói có mấy bóng người áo đen đang bận rộn. Họ đẩy xe, đổ thứ gì đó vào trong ngọn lửa.
Là người, còn có trẻ em.
Tôi mở to mắt nhìn tất cả trước mặt, các ống khói liên tiếp nhau, đó là lò thiêu xác khổng lồ.
Cuối cùng tôi không nhịn được cúi người nôn thốc nôn tháo.