Đọc truyện online, đọc truyện chữ, truyện full, truyện hay. Tổng hợp đầy đủ và cập nhật liên tục.

Tự Nguyện Cắn Câu – Tây Tây Đặc

Chương 23: Anh nói anh là gì cơ



Hai ngày sau khi ngồi vòng đu quay, Trần Vụ nói mình phải quay về. Lúc ấy Yến Vi Sí vừa tắm rửa xong, mái tóc vàng ướt sũng rối bù che đi lông mày đôi mắt, đổ bóng trên khuôn mặt. Từ vùng tối ấy, hắn nhướng mi hỏi: “Về đâu?”
“Về nhà chứ đâu.” Trần Vụ kiểm tra chứng minh thư của mình.
Yến Vi Sí ném khăn mặt trong tay lên thành ghế, yết hầu trượt lên trượt xuống liên tục, không giấu được sự bực bội: “Trước đó tôi hỏi anh đặt vé ngày bao nhiêu, sao anh không trả lời?”
“Khi ấy còn chưa quyết định.” Trần Vụ nói.
“Nhưng chẳng phải sau đó tôi có hỏi thêm hai lần nữa à?” Yến Vi Sí bỗng nổi giận.
Mi mắt Trần Vụ run lên, có lẽ không biết tại sao mình lại bị trách mắng hung dữ đến vậy. Hốc mắt anh xuất hiện vệt đỏ nhạt sinh lý, trong đôi mắt luôn óng ánh nước kia giống như đang âm thầm đổ mưa, khí thế to lớn chấn động.
“Không giành được vé nên thâm tâm tôi cũng không chắc chắn.” Trần Vụ cụp mắt.
Yến Vi Sí xắn ống tay áo hoodie đi tới trước mặt Trần Vụ đứng một lát, rồi lại lùi đến cạnh bàn. Hắn muốn mò mẫm tìm bật lửa nhưng lại chỉ sờ thấy móc treo quần áo, bèn vung tay ném sang một bên, cũng chẳng buồn hút thuốc lá nữa, trên mặt không lộ rõ cảm xúc vui giận: “Xe chạy mấy giờ?”
Trần Vụ đáp: “Hơn chín giờ.”
“Giờ đã bảy giờ rồi mà anh mới nói với tôi rằng mình sắp về nhà.” Yến Vi Sí cười gật đầu: “Sớm hơn một ngày hay hơn một giờ cũng không nói được.”
Tin nhắn “Coi trọng cậu” và “Chẳng ra gì” hiện lên trong đầu hắn, nhưng thực ra là có cũng được mà không có cũng không sao đúng không? Hắn trừng mắt nhìn Trần Vụ đang bày ra vẻ mặt ngơ ngác và bất an: “Không phải sắp đi ngay à? Còn không thu dọn đi?”
Trần Vụ luống cuống sửa sang đứng dậy.
“Rầm —— “
Chồng truyện tranh chất đống thành ngọn núi nhỏ dưới chân bàn đột nhiên đổ sập.
Động tác của Trần Vụ rất nhẹ nhàng chậm chạp, đến hít thở cũng cẩn thận. Anh cất ví tiền rồi ngồi lên giường lau kính.
Căn phòng yên lặng đáng sợ, tiếng khóa kéo của túi du lịch vang vọng rất rõ ràng.
Trần Vụ đeo kính và xách túi lên, nhỏ giọng nói: “Bạn học Yến, tôi đi nhé.”
Yến Vi Sí ngồi trước bàn đọc truyện tranh, quay lưng về phía anh: “Đi bằng cách nào?”
Trần Vụ thật thà trả lời: “Bắt xe bên đường thôi.”
Yến Vi Sí đứng dậy lấy mũ bảo hiểm và chìa khóa xe.
“Cậu muốn chở tôi đi hả?” Trần Vụ vội vàng nói: “Không cần đâu, con đường hồ nước cũng không dài, tôi rất nhanh có thể đi…”
“Im miệng.” Yến Vi Sí túm lấy túi du lịch của anh: “Đi theo tôi.”
Trần Vụ đi rồi.
Căn phòng nhỏ bỗng trở nên vắng vẻ hiu quạnh.
Mở tủ ra nhìn thấy không ít nguyên liệu nấu ăn, Yến Vi Sí cảm thấy buồn cười: “Chuẩn bị nhiều thế, anh cho rằng tôi biết nấu à?”
Hắn tự nấu cho mình một bát hoành thánh.
Nồi cháy.
Yến Vi Sí xúc chỗ hoành thánh đen thui ra. Hắn muốn rửa nồi nhưng không tìm thấy cái cục sắt tròn tròn kia hay là cái quái gì đấy đâu, nhất thời không nhớ ra tên nó, hắn dứt khoát gửi tin nhắn hỏi Trần Vụ.
Trần Vụ vẫn chưa trả lời, có lẽ là anh đang ngủ trên xe hoặc có lẽ bị trễ giờ, vẫn đang ngồi ở phòng chờ.
Quen với sự có mặt của một người là gì? Mất bao lâu để thói quen ấy trở nên ổn định, đáng sợ đến mức nào, và phải chống cự tránh né ra sao?
Không biết.
Mẹ kiếp, phiền khiếp.
Yến Vi Sí dựa vào tường, một tay cầm lọ đường trắng, một tay cầm thìa sứ nhỏ ăn hết muỗng đường này đến muỗng đường khác. Đôi mắt uể oải và sâu thẳm của hắn đảo quanh phòng một vòng, lướt qua chiếc chăn bông được gấp gọn gàng của Trần Vụ, cốc giữ nhiệt, táo do Tây Đức phát và mấy quả long nhãn ăn còn dư, giỏ rác được bọc túi sạch sẽ… Cuối cùng dừng ở bể cá.
Không biết Trần Vụ chăm sóc cẩn thận ra sao, nhưng cá được nuôi rất tốt.
Điện thoại bên cạnh bếp từ vang lên, Yến Vi Sí nuốt đường trắng đến xem.
Là Hoàng Ngộ gọi, gã cười hì hì: “Anh Sí, tao, Chiêu Nhi với Tiểu Hi xuất phát rồi nha.”
Yến Vi Sí: “Ờ.”
Hoàng Ngộ hắng giọng: “Vậy mày và Trần Vụ cùng đi…”
Yến Vi Sí thẳng tay cúp máy.
Người đi mất rồi, cùng đi cái con khỉ.
Lúc nhận được điện thoại của Trần Vụ, Yến Vi Sí đang tìm một công việc thời vụ vào dịp Tết, là giao thức ăn ngoài.
Cố gắng giảm bớt thời gian ở nhà để tránh nổi nóng.
Trần Vụ nói với giọng ngập tràn áy náy: “Bạn Yến, tôi mới đọc được tin nhắn của cậu. Cái đấy là miếng cước nhôm chà nồi, tôi vứt cái cũ đi rồi. Cái mới ở ngăn tủ thứ hai ấy, cậu tìm thử xem.”
Yến Vi Sí tìm theo lời anh: “Không thấy.”
“Thử dịch cái nồi đất ra xem nào?” Trần Vụ kiên nhẫn chỉ dẫn.
Yến Vi Sí chuyển nồi đất sang một bên, một túi cước nhôm tròn lộ ra ngoài, hắn thầm chửi thề trong lòng.
Đây không phải là khả năng tự lo liệu cuộc sống cơ bản nhất sao, tại sao hồi nãy hắn không biết phải làm như thế nhỉ? Từ bao giờ hắn đã lười đến mức chỉ toàn dựa dẫm vào người này như thế?
“Trong nồi có chân giò tôi hầm đấy, lúc ăn cậu nhớ hâm nóng lại nhé.” Trần Vụ nói: “Đủ để cậu ăn mấy bữa.”
Yến Vi Sí không đáp, cũng không tắt điện thoại.
“Cũng không biết việc cậu nói ăn Tết ở hồ chứa nước là thật hay chỉ lừa tôi.” Trần Vụ tự nói một mình: “May mắn trong cái thời tiết này có thể để thức ăn một thời gian, ăn không hết cũng sẽ không hỏng.”
Anh nói tiếp: “Chắc cậu biết cái hộp thuốc dưới gầm giường tôi rồi nhỉ, lỡ có đau đầu cảm sốt gì cũng có thể dùng. Nếu cậu rảnh thì lấy cái túi thuốc nhỏ kia ra ngâm chân, có thể giảm bớt mệt mỏi, cũng tốt cho giấc ngủ nữa.”
Yến Vi Sí đi lấy hộp thuốc Trần Vụ nhắc đến, trông nó nhỏ song bên trong có đến tận ba ngăn. Hắn tùy ý mở ra, không đảo loạn: “Tôi là con anh hay sao mà cần anh nói những chuyện này?”
Trần Vụ cười ngượng ngùng: “Nói thành quen luôn rồi.”
Yến Vi Sí nhíu mày, nói với ai? Người nhà?
Hắn chưa bao giờ hỏi chuyện cá nhân của Trần Vụ, song bây giờ lại có sự thôi thúc ấy.
“Tại sao hoàn tục vậy?” Yến Vi Sí đặt hộp thuốc lại chỗ cũ, chuẩn bị đi ra ngoài.
Trần Vụ nhớ lại: “Năm thứ hai sau khi cậu rời khỏi miếu nhỏ, người nhà tôi tìm đến.”
Yến Vi Sí cầm chuỗi tràng hạt trên võng lên, xoay vòng vòng vuốt nhẹ mấy lần. Khi ấy người này lúc nào cũng nhắc tới thân nhân của mình, phương trượng nói Phật căn của anh không vững, vẫn nhớ hồng trần.
Đây coi như đã đúng ý nguyện rồi.
Yến Vi Sí đeo chuỗi hạt lên rồi nhét nó vào tay áo: “Nhà anh ở đâu?”
“Một nơi xa xôi lắm.” Trần Vụ nói: “Trong núi sâu.”
“Trở về một chuyến cũng đủ vất vả.” Yến Vi Sí trò chuyện được một lúc thì nỗi bực bội trong lòng cũng vơi đi, giọng nói cũng không còn trầm buồn sa sút nữa: “Thôi, đoàn tụ với gia đình anh đi, tôi đi làm đây.”
“Vậy tạm biệt bạn học Yến nha.” Trần Vụ chào hắn.
Tối ba mươi Tết, Trần Vụ đang ngồi ăn đậu phụ trong một quán nhỏ bình thường thì trưởng thôn gọi điện tới.
“Tiểu Vụ, ban nãy Minh Xuyên đi rồi.” Trưởng thôn nói: “Bác bảo nó sáng mai hẵng đi mà nó không chịu, trời tối rồi mong đừng bị ngã.”
Trần Vụ dùng thìa trộn hành thái nhỏ vào dầu cay, sau đó xúc ăn hết. Trưởng thôn tưởng Minh Xuyên còn chưa ăn tất niên đã vội chạy đi tìm anh, bèn hỏi: “Hai đứa không sao chứ?”
Trần Vụ đáp: “Không có chuyện gì đâu ạ.”
“Vậy là tốt rồi vậy là tốt rồi.” Trưởng thôn hoàn toàn yên tâm: “Mấy hôm trước nó bảo không biết cháu đang ở đâu. Thấy thằng bé sốt ruột quá nên bác cứ định nói cho cháu, nhưng bác gái cháu lại ngăn cản bảo bác đừng gây thêm phiền phức.”
Ông hiền lành căn dặn thêm: “Lần sau cháu cũng đừng chạy loạn nữa. Bên ngoài không giống trong thôn, có rất nhiều kẻ lòng dạ đen tối, xấu xa tới nỗi cháu không tưởng tượng được đâu.”
Trần Vụ nhẹ nhàng đáp: “Dạ cháu biết rồi.”
Trưởng thôn cười nói: “Thế năm nay các cháu ăn Tết ở ngoài đi, đừng lo lắng hay nghĩ ngợi lung tung gì cả, cứ vui vẻ là được.”
Trần Vụ: “Cháu chỉ ở một mình thôi ạ.”
Trưởng thôn bước qua bậc cửa cao, suýt nữa ngã tổn thương xương cốt già nua: “Hai đứa còn chưa làm hòa hả?”
Trần Vụ múc một miếng đậu phụ non mềm bỏ vào miệng: “Sẽ không hòa giải ạ. Về sau nếu bác có gọi cho cháu thì đừng nhắc đến cậu ta nữa.”
Trưởng thôn cầm điện thoại đứng ngẩn người trước cửa, thậm chí còn không để ý tới đôi giày vải dệt thủ công của mình đang giẫm lên chỗ hồ dán dùng để dán câu đối xuân. Trong ấn tượng của ông, hai anh em nhà họ Quý chưa từng cãi cọ nổi giận với nhau, tình cảm vô cùng thân thiết.
Chuyện này là sao?
Không giống như một cuộc cãi vã bình thường, chẳng lẽ lại muốn tách ra ở riêng?
Trưởng thôn muốn hòi gì đó mà lại không biết nên bắt đầu từ đâu. Phía bên Trần Vụ truyền đến âm thanh ồn ào, anh sợ thôn trưởng không nghe thấy nên tăng âm lượng: “Cháu đang ăn ở ngoài, hơi ồn ào, hình như đội múa lân tới rồi, tạm thời nói đến đây trước đã.”
Cuộc gọi kết thúc, trưởng thôn nhấn nhấn chiếc điện thoại cũ đã bong tróc sơn, khuôn mặt nhăn nheo đầy vẻ nặng nề. Lão Quý mới đi không lâu, hai đứa con nên sống nương tựa giúp đỡ lẫn nhau mới đúng. Rốt cuộc đã xảy ra chuyện gì?
Tiểu Vụ không phải là đứa trẻ tùy hứng, từ nhỏ nó đã luôn suy nghĩ mọi việc từ góc độ của người khác, rất giỏi chăm sóc và thấu hiểu người khác. Vậy thì phần lớn vấn đề nằm ở Minh Xuyên rồi.
Trưởng thôn cúi xuống dùng tay bóc chỗ hồ dán rơi ra, quẹt vào trong chiếc chén nhỏ. Nếu như Minh Xuyên có lỗi với anh trai nó, cả đời này dù nó có đọc nhiều sách đi chăng nữa, có tới thành phố lớn đến chừng nào, có tìm được công việc vẻ vang bao nhiêu, thì cũng chẳng có tiền đồ mấy.
“Một đứa trở về mà không thèm đốt tiền giấy trước mộ, đến ngày này còn rời đi, một đứa dứt khoát không thèm về.” Bạn già của trưởng thôn đang ngồi vặt lông gà trong sân càm ràm: “Mùng Hai Tết mà không đi viếng hương hồn người mới khuất, hai đứa trẻ chẳng đứa nào biết điều cả.”
“Tiểu Vụ còn chưa đủ biết điều à?” Trưởng thôn kích động che chở: “Bà nói mấy lời này không sợ lão Quý bò từ dưới đất lên mắng hả?”
Bạn già tự biết đuối lý, nhỏ giọng nói: “Vậy sao nó lại…”
“Dùng đầu ngón chân nghĩ cũng biết nhất định đã xảy ra chuyện gì làm nó khó chịu.” Trưởng thôn quả quyết nói.
Bà vợ bóp cổ gà xách lên giữa không trung, nhặt một nắm lông gà ném đi: “Khó chịu cũng không thể không về nhà được.”
Trưởng thôn nói: “Vậy còn phải xem là khó chịu kiểu gì.”
“Chuyện này không thể trách Tiểu Vụ, đừng nói nó.” Trưởng thôn ngồi xuống ngưỡng cửa, với tay lấy hai câu đối xuân bên cạnh: “Ba đứa con trai hai đứa con gái nhà ta cộng lại mà được hiếu thuận bằng nửa nó thôi thì có chết tôi cũng mỉm cười.”
Bác gái quăng con gà vào chậu: “Sắp Tết rồi mà ông nói chết chết vớ vẩn gì đấy hả!”
Trưởng thôn không đáp lời.
Bà cũng không cãi nhau với ông, chỉ thu lại lửa giận nói: “Con nuôi của lão Quý còn ngoan hơn con ruột.”
Trưởng thôn quẹt hồ dán bôi lên câu đối Tết: “Chứ còn gì nữa. Nghĩ mà xem, con ruột làm gì kiên nhẫn trông giữ trước giường chăm sóc cho lão Quý bao nhiêu năm, chịu đựng ông ấy than phiền, để một ông lão nằm liệt cả ngày lẫn đêm không bị lở loét bao giờ, trên người cũng không có mùi gì khó ngửi, lại còn ra đi sạch sẽ cơ chứ?
“Tôi nói thật nhé, Tiểu Vụ thực sự rất ngoan.” Trưởng thôn nói một cách hâm mộ: “Lão Quý đúng là có phúc.”
Tiểu Vụ có việc ra ngoài sẽ nhờ họ trông coi lão Quý, lại còn viết tỉ mỉ những điều cần chú ý ra giấy, cẩn thận đến mức này.
Hình ảnh lão Quý trẻ trung khỏe mạnh khiêng hai cái bao tải to, tay dắt một chú tiểu vào thôn hiện lên trước mắt trưởng thôn.
Nhoáng cái đã biết bao nhiêu năm trôi qua.
Vợ ông thổn thức: “Có phúc mà phải chịu khổ nhiều năm như vậy.”
“Nếu không có Tiểu Vụ, lão Quý còn phải chịu khổ nhiều hơn thế.” Trưởng thôn thật sự rất yêu quý đứa bé này, có nằm mơ cũng mong Tiểu Vụ là con trai mình.
Phần lớn đất đai ở đây đều được Tiểu Vụ lo liệu dùng để trồng cây trồng hoa, trên núi cũng có những nơi trồng đủ loại thực vật mà họ không nhớ tên, mấy người già bọn họ có việc làm, còn có thể để dành tiền giúp san sẻ áp lực với con cái.
Tiểu Vụ cũng dạy mấy người họ mua bảo hiểm, dùng điện thoại quét mã này nọ. Không giống mấy đứa con nhà họ, hỏi thêm vài câu còn phải xem có tâm trạng không, quan trọng nhất là còn ở xa không trông cậy vào được.
Vợ trưởng thôn kể lể: “Người khác không biết còn tưởng Xuân Quế là chỗ tốt, nhưng mà con bé hai nói nó đi tới đó một lần rồi, an ninh trật tự không tốt, lúc nó đi đường còn bị giật dây chuyền. Tiểu Vụ không ở chung với Minh Xuyên thì sẽ nguy hiểm lắm. Ông hỏi thẳng bé thêm đi xem nó đang ở đâu, bảo Minh Xuyên đi tìm nó.”
“Bà nghĩ đơn giản quá.”Trưởng thôn kiễng chân dán câu đối, miết góc giấy xuống dọc theo viền mép: “Nó đã bảo tôi đừng nhắc tới em trai nữa. Không phải kiểu nói hôm nay xong mai lại quên, mà rất nghiêm túc, không muốn ngồi chung bàn ăn cơm đến mức nào mới có thể nói thế chứ.”
Nghĩ sao cũng không rõ, lúc đi còn yên lành, giờ mới qua mấy tháng tại sao lại trở mặt rồi, còn trở mặt nghiêm trọng như vậy.
Vợ ông lại nói thêm một câu: “Thằng nhỏ nhà lão Quý hai tay chưa từng cầm cuốc, chỉ cầm giấy bút, đi học ở chỗ chúng ta cũng không dễ dàng gì.”
Trưởng thôn khẽ hừ một tiếng: “Chẳng phải Tiểu Vụ cũng thích đọc sách à, còn đọc nhiều lắm, đến độ mù cả mắt.”
“Mù gì mà mù, gọi là cận thị.”
“Không có kính thì khác mắt mù ở chỗ nào.” Trưởng thôn thở dài, “Ngày xưa nó học còn giỏi hơn cả em nó, có mù cũng biết đứa nào thích hợp với việc đi học hơn.”
Hai vợ chồng già không nói thêm gì nữa.
Mùi thức ăn thơm lừng trong gió núi, không biết nhà ai ăn xong sớm đã đốt pháo trước cửa nhà, tiếng đùng đoàng vang vọng.
Vợ trưởng thôn đổ chỗ nước nóng trụng gà tanh hôi trong sân: “Sao tôi cứ có cảm giác Tiểu Vụ sẽ không về nữa nhỉ?”
Trưởng thôn nghĩ thầm, nhất định năm sau sẽ về.
“Bà mau hầm gà đi, mấy đứa nó không về ăn Tết, nhưng hai ta vẫn phải ăn thôi.”
Trưởng thôn ra ngoài đứng một lúc.
Tiền chữa trị của lão Quý, tiền Minh Xuyên đi học, rồi sữa cho ông già bà già, kể cả tiền đặt cọc của con trai con gái trong thành phố lớn đều dựa vào mảnh đất này, dựa vào Tiểu Vụ.
Thực ra sớm muộn gì Tiểu Vụ cũng sẽ rời khỏi thôn, nhất là sau khi lão Quý níu kéo anh buông tay rời xa nhân thế.
Lúc lão Quý ra đi, trong phòng có không ít người đưa tiễn. Lúc đó lão cầm chặt tay Tiểu Vụ, bảo Tiểu Vụ nhất định phải giúp đỡ em trai mình nhiều hơn, bảo hai đứa phải yêu thương nhau. Vì vậy mọi người đều đã chuẩn bị tâm lý, đợi đến tháng Bảy tháng Tám sang năm Minh Xuyên nhận được giấy thông báo đỗ đại học thì Tiểu Vụ sẽ đến chỗ y.
Bây giờ lại xảy ra chuyện ngoài ý muốn.
Trưởng thôn vẫn ôm một tia hy vọng.
Tình cảm giữa hai đứa con nhà lão Quý còn tốt hơn cả anh em ruột, cũng là người thân duy nhất trên đời này của nhau. Họ chưa lập gia đình, thời gian vẫn còn dài.
Trừ phi là có thù hận đậm sâu mới có thể không qua lại với nhau suốt đời.
Trưởng thôn tản bộ ngang qua nhà lão Quý, bỗng nhìn chăm chú: “Sao cửa lại không khóa nhỉ?”
Tuy trong thôn không có trộm vặt móc túi, nhưng cửa vẫn phải khóa.
Trưởng thôn vào trong tìm khóa, chợt phát hiện trong nhà chính vô cùng lộn xộn. Ông bật đèn lên, kinh hãi trước tình cảnh trước mắt.
Đồ đạc trên tường trên sàn và trên bàn đều nghiêng trái ngã phải, ngổn ngang tung tóe.
“Sao cái thằng Minh Xuyên này lại…”
Trưởng thôn không nói nốt mà ngồi xổm xuống dọn dẹp.
Chiếc chuông gió trước cửa sổ ở phòng trong phía Bắc khẽ lay động, bên trên có treo một tấm thẻ gỗ.
Phố Trường Trung ở Xuân Quế vô cùng náo nhiệt, trong khi phố Tây yên tĩnh hơn chút.
Trần Vụ ăn sạch một bát tào phớ, rút khăn giấy ra lau miệng rồi mở wechat vào nhóm chat nhà họ Quý để nói chuyện mùng Hai không cúng bái hương hồn.
Cái gọi là cúng bái vong linh tức là người thân bạn bè mang tiền quà tới nhà người đã rời đi năm ngoái, cười cười nói nói ăn uống một chặp.
Sau khi Trần Vụ thông báo, nhóm thân thích nhà họ Quý cũng không hỏi han thêm gì. Họ chỉ khách sáo gửi lì xì cho anh, đa phần là năm tệ tám tệ. Trần Vụ nhận lấy hết, cũng gửi lời chúc mừng năm mới tới mọi người.
Trần Vụ rời quán nhỏ rồi dạo bước lang thang trong ngõ. Thấy có người bán đèn điện tử hình đầu hổ, anh mua một cái cầm theo đi về phía trước.
Đằng trước có một cô gái ngồi trên bậc thềm, vùi mặt vào khuỷu tay. Một gã đàn ông lấy chiếc điện thoại trong túi đeo chéo của cô, nhét vào quần áo trước người rồi vội vội vàng vàng bỏ đi, nhưng chiếc điện thoại rơi ra từ trong áo cũng không hay biết.
Trần Vụ: “…”
Anh đi qua nhặt chiếc điện thoại, giẫm lên bậc thềm gọi cô gái kia.
“Cho hỏi anh có chuyện gì không?” Cô gái không ngẩng đầu, thanh âm nghèn nghẹn, nghe có vẻ không thoải mái cho lắm.
Trần Vụ nói: “Đây là điện thoại của cô nhỉ?”
“Cái gì? Không phải chứ?” Cô gái kiểm tra chiếc túi nhỏ của mình, phát hiện khóa kéo bị mở ra, vừa sợ hãi vừa ngỡ ngàng: “Sao lại…”
“Tôi nhặt được ở kia kìa.” Trần Vụ chỉ chỉ.
“Cảm ơn anh nhé.” Cô gái giơ hai tay nhận điện thoại.
“Chú ý an toàn.” Trần Vụ quay người định rời đi, đột nhiên chuỗi tua rua màu đỏ bên dưới đèn lồng bị giữ chặt. Anh khó hiểu quay đầu lại, nghe thấy giọng nói nhỏ như tiếng muỗi vo ve của cô gái: “Tôi bị trật chân rồi.”
“Trật rồi?” Trần Vụ đặt chiếc đèn điện tử lên bậc thang, ngồi xổm xuống trước mặt cô: “Tôi có thể chạm thử chứ?”
Cô gái ngập ngừng gật đầu.
Trần Vụ kiểm tra mắt cá chân của cô, sau khi xác nhận hết lần này đến lần khác, anh lẩm bẩm: “Không trật mà nhỉ?”
Cô gái cắn cắn môi dưới: “Nhưng nó đau lắm, không đi nổi.”
Trần Vụ ấn một dãy số: “Tôi gọi 120 giúp cô.”
Cô gái hoảng hốt ngăn cản: “Đừng, không cần đâu. Tôi bỏ nhà ra đi, bây giờ không muốn nhìn thấy bố mẹ mình.”
Trần Vụ dừng động tác.
Cô gái năn nỉ: “Anh có thể ở cùng tôi một lúc không?”
Trần Vụ khó hiểu nhìn cô: “Tôi là một người xa lạ mà.”
Cô gái kia khẽ nức nở, Trần Vụ bèn ngồi xuống bên cạnh.
Năm phút trôi qua, mười phút trôi qua, cô gái liếc trộm một cái, người này thật sự không bỏ đi.
Lại qua một lúc nữa, cô phát hiện không phải anh đang bầu bạn cạnh cô, mà đang ngẩn người.
Đêm ba mươi, sao lại cô đơn một mình vậy nhỉ…
“Tôi cảm thấy mình đỡ hơn nhiều rồi.” Cô gái nói: “Tôi mời anh đi ăn gì nhé.”
“Không cần đâu.” Trần Vụ từ chối.
“Thôi được rồi.” Cô gái tươi cười: “Bên phố Đông có tiết mục đấy, anh muốn đi xem không?”
Trần Vụ sờ công tắc nhỏ của chiếc đèn lồng điện, đẩy lên trên. Ánh đèn đỏ vàng hắt lên mặt, anh hỏi: “Tiết mục gì thế?”
“Tôi cũng không rõ lắm, nhưng rất náo nhiệt.” Cô gái lần nữa mời anh đi chung.
“Vậy thì đi xem chút đi.” Trần Vụ theo cô.
Ánh sáng dọc đường mờ tối, không thể nhìn rõ khuôn mặt xinh xắn của cô gái. Lúc sắp ra khỏi ngõ, Trần Vụ và cô gái trông thấy một chiếc xe ba bánh chặn ở cửa ngõ.
Trên xe là một bóng đen, không nhìn rõ thứ gì.
Hình như là một người đàn ông.
Hắn xuống xe ba bánh với một vật dài trên tay, từng bước tiến lại gần họ, cảm giác uy thế áp đảo cực kỳ nguy hiểm đó dồn thẳng vào trái tim.
Bị thôi thúc bởi bản năng, cô gái đã bỏ chạy, chạy chưa bao xa thì cô trốn đi gọi tới một dãy số.
Hai ngày trước Hoàng thiếu liên lạc với cô nhờ giúp một chuyện, đó là làm bạn gái cho người khác. Xem xét các yếu tố thực tế khác nhau, cô đã đồng ý.
Tiếp theo là chờ bên gã sắp xếp.
Tối nay cô ăn cơm tất niên xong liền ra ngoài chơi với bạn, chợt gặp được “bạn trai tương lai” của mình, cô đã hỏi ý kiến của Hoàng thiếu. Gã bảo cô hành động, thế nên mới có một màn ban nãy.
Cô cảm thấy kịch bản Hoàng thiếu đưa ra quá thiểu năng, kẻ ngốc mới mắc lừa. Ai ngờ cô thật sự gặp phải kẻ ngốc.
“Mau nhấc máy, nhấc máy, nhấc máy…” Cô gái sốt ruột đến độ đứng đó lẩm bẩm: “Sao không ai nghe vậy?”
Hồi lâu không ai bắt máy, cô gọi lần thứ hai, lần này cuối cùng cũng thông.
“Hoàng, Hoàng thiếu, đã xảy ra chuyện rồi!” Cô không sắp xếp được ngôn ngữ, chỉ biết kể lại tình huống trước mắt một cách lộn xộn: “Làm sao bây giờ, anh ta sẽ không bị đánh chết chứ?”
Hoàng Ngộ thật sự bó tay: “Báo cảnh sát ấy.”
“Đúng, đúng là bên này có, có thể báo cảnh sát. Nhưng mà báo, báo cảnh sát có tới kịp không? Tết đến đông người xe cảnh sát không vào được nhỉ? Đúng, đúng rồi, tôi có thể tìm người, tôi có người bạn ở gần đây!” Đầu óc cô quay cuồng mụ mị, cô không muốn người kia gặp chuyện, dù bản thân cũng rất sợ hãi.
Phía Thủ Thành, Hoàng Ngộ đang ăn dở bữa cơm tất niên thì vội tránh người nhà để ra vườn hoa gọi điện thoại: “Anh Sí, có thể Trần Vụ đang gặp phiền phức.”
Đầu dây bên kia là một sự im lặng kỳ quái, sau đó mới vang lên giọng nói không nghe ra tâm trạng: “Phiền phức gì?”
Hoàng Ngộ trả lời: “Anh ta đụng phải thằng chó điên nào đó ở chỗ phố Trường Trung ấy.”
“Mày mọc thiên lý nhãn hả?”
“Không phải, là tao có đứa bạn trông thấy anh ta nên mới kể với tao chuyện này.” Hoàng Ngộ nói dối mà mặt không đỏ tim không hẫng.
Trong điện thoại không có âm thanh gì.
“Anh Sí? A lô?” Hoàng Ngộ nhìn điện thoại thấy vẫn đang kết nối nên lại hô lên: “Anh Sí? Tín hiệu bên mày không tốt hả?”
Đợi đã, không đúng, vào lúc này anh Sí vẫn rảnh rỗi gọi điện thoại với gã hỏi từ từ chậm rãi, nghe gã giải thích, mặc kệ sống chết của Trần Vụ?
Gã nghĩ tới một khả năng nào đó khá nghẹt thở.
“Anh Sí cũng đang ở chỗ đó hả?”
“Đang ở cùng Trần Vụ à?”
“Thằng chó điên kia là mày sao?”
Ba câu hỏi liên tiếp vang lên, Hoàng Ngộ toát mồ hôi lạnh, gần như đã xác định đáp án.
Đậu má đậu má đậu má! Ra quân bất lợi!
Yến Vi Sí không nhanh không chậm mở miệng: “Hoàng Ngộ, ngày mấy mày về Xuân Quế? Để tao đi đón mày.”
“Đừng mà.” Hoàng Ngộ khoa trương gào thét cầu xin tha thứ: “Tao khai đây.”
Gã khai sạch toàn bộ, kinh hồn bạt vía nói: “Không phải tao đang chơi mày đâu, anh Sí, tao chỉ muốn giới thiệu bạn gái cho Trần Vụ thôi.”
Yến Vi Sí nghiêng đầu nhìn người lẽ ra phải về nhà ăn Tết, nhưng lại bị hắn bắt gặp đang đi dạo với con gái ở đây. Hắn cố gắng nhẫn nhịn không tính sổ với anh, nhịn tới nỗi mạch máu ở cổ như vỡ tung: “Anh muốn có bạn gái à?”
Trần Vụ ôm lấy hộp hoa dài của hắn, đáp lời: “Không muốn.”
Ngay sau đó là một tiếng nhỏ đến mức gần như không thể nghe thấy: “Tôi là gay.”
“Nghe thấy chưa, anh ta nói anh ta là…”
Mặt Yến Vi Sí cứng đờ, hắn trừng Trần Vụ, mãi sau mới quay người cúi đầu xuống, chóp mũi cao thẳng nhuốm hơi lạnh gần như dán sát vào: “Anh nói anh là gì cơ?”
“Gay.” Trần Vụ đáp.
Chương trước Chương tiếp
Loading...