Đọc truyện online, đọc truyện chữ, truyện full, truyện hay. Tổng hợp đầy đủ và cập nhật liên tục.

Tinh Hán Xán Lạn, May Mắn Quá Thay - Trang 4

Chương 2: Nhàn thoại đại cát - Tiếp tục suy luận về tình trạng của bản thân



*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.

Du Thái Linh ở chái nhà bên này đang còn nghĩ về A Trữ, thì ở chái nhà bên kia vợ chồng Phù Ất cũng đang thảo luận về cô.

“Ta thấy hôm nay nữ công tử tươi tỉnh hơn nhiều, chứ lúc ta mới đến con bé làm ta sợ chết đi được.” Phù Ất tắm rửa xong, nằm trong căn phòng ấm áp phía Tây nghỉ ngơi, để vợ chải tóc cho mình.

Trữ dừng động tác, mím môi nói: “Lúc mình đến là đã đỡ nhiều lắm rồi. Hôm ấy nữ công tử suýt mất cả mạng, đều do ta sơ suất, chậm trễ mấy hôm, cứ tưởng rằng A Nguyệt…” Nhắc đến cái tên này, mặt bà lập tức sa sầm.

Phù Ất nhìn sắc mặt vợ, bảo: “Lòng người vốn dễ đổi, cũng đã mười năm rồi. Trước lúc phu nhân và tướng quân đi, nữ công tử chỉ mới tròn ba tuổi, ta nhớ khi tướng quân ngồi trên ngựa còn ngoái đầu nhìn lại mãi, hốc mắt đỏ bừng. Mình cũng đừng nhắc đến A Nguyệt nữa, chồng cũ của nàng ta không có thực quyền dưới trướng tướng quân, chồng mới thì chỉ có chút dính dáng đến Cát gia. Nàng ta làm gì có thể hết lòng với phu nhân?”

Trữ đập lược bí xuống bàn, cao giọng nói: “Đao kiếm không có mắt, bộ khúc* đi theo đại nhân tìm kiếm công danh vốn đã là chuyện cầu may, trước giờ phu nhân chuyên cứu trợ góa phụ, cho dù thiếu nàng ta chút ăn chút mặc thì cũng đâu có cấm nàng ta tái giá! Thế mà nàng ta lại đồn lung tung bảo mình đã chết ở thành Nam Định, ta cho bọn nhỏ chịu tang chính là để tìm người khác tái giá, ta có từng làm trễ nãi chuyện của nữ quân ư?! Sợ chết, hừ, sợ chết thì cứ như A Tiêu để chồng ở lại thôn trang, dù không có tương lai nhưng chí ít cả nhà được bình an kìa. Đã muốn công danh lại còn muốn cả bình an, ở đâu ra chuyện tốt thế!”

(*Bộ khúc hay còn gọi là gia binh, chỉ những người lính dưới quyền một vị tướng quân nào đó; những lúc thời bình họ là lực lượng nông nghiệp chính, gọi là điền khách.)

Phù Ất nhếch mép, thực ra sau cuộc chiến ở thành Nam Định lần đó y đã nhanh chóng nhờ người báo tin về nhà, trước sau chẳng đến mấy tháng, nên y rất muốn đưa ra bình luận về suy nghĩ định tái giá của vợ rằng: Có phải đợi qua một năm rồi hẵng nghĩ đến chuyện tái giá sẽ thích hợp hơn không?

Cuối cùng Phù Ất vẫn đổi đề tài, nói: “Mình đừng giận nữa, đúng rồi, mấy lần trước ta về đều nghe nói nữ công tử càng lớn càng ương bướng, tính tình hung dữ, hở chút là đánh chửi nô tỳ, hành vi không ra gì. Nhưng nay ta thấy nữ công tử tốt tính lắm kia mà, bọn nhỏ cũng rất thích con bé.”

Trữ hừ lạnh, lại cầm lược bí lên chải tóc cho chồng, “Ta có ở trong phủ đâu, chưa từng gặp nữ công tử bao giờ, cứ tưởng đám đàn bà ti tiện kia dạy con bé lung tung, nghĩ bụng dẫu gì con bé vẫn còn nhỏ, đợi phu nhân quay về dạy dỗ lại là được. Nào ngờ, hừ, nữ công tử rõ ràng rất khỏe mạnh, sau khi tỉnh lại nói năng cũng rất ôn tồn. Ta sợ nữ công tử buồn chán nên mới bảo A Mai dẫn con bé đi chơi đó đây, hôm ấy Thu đại nương tử xuất giá, ta bảo hai thị vệ của mình dẫn hai đứa nó ra ngoài xem, quả nhiên lúc về nhà thì ổn hơn hẳn, rất thích nói cười.”

Phù Ất hài lòng gật đầu, dừng một lúc rồi bỗng nói: “Cụ Thu lại gả con gái à?” Hình như mỗi lần y về đều nghe thấy chuyện cụ trưởng làng gả con gái, “Rốt cuộc ông ấy có mấy cô con gái thế?”

Trữ cười đáp: “Ta đã nói là Đại nương tử rồi còn gì, tai của mình bỏ đi đâu rồi. Nhà họ Thu có hai đứa con trai, chỉ có một cô con gái, lại còn lớn tuổi rồi. Lần trước mình về Thu đại nương tử tái giá lần hai, còn lần này là lần thứ ba.”

Phù Ất lắc đầu, “Cụ Thu cũng chiều cô con gái này quá mức. Quả phụ tái giá không có gì xấu, đức lang quân nàng ta cưới rất tốt, nhưng dẫu gì cũng là tân nương tử vừa ý người khác, cãi nhau với chồng cũ từ hôn rồi tái giá, thế nào láng giềng cũng chỉ trỏ lời ra lời vào.”

Trữ cười cười, nói: “Người chồng nàng ta mới cưới quả thực rất tốt, tính tình điềm đạm.”

Phù Ất nhìn vợ, Trữ bình thản nhìn lại khiến Phù Ất lập tức mềm lòng; sau đó y lại tự an ủi, người hầu thì phải theo chủ, y vẫn đỡ hơn tướng quân cái gì cũng nghe theo vợ. Hôm đó phu nhân xem tạp kỹ trong phủ Vạn tướng quân, khen một con hát cường tráng đẹp trai, đại nhân không những không dám phản bác mà còn nâng rượu góp lời: “Ánh mắt của phu nhân nhà ta đúng là chuẩn xác, tuy kẻ đó có kém hơn ta chút, nhưng trong số họ thì lại là người nổi bật nhất.” Vạn tướng quân lập tức phun rượu ra từ mũi, chẳng rõ vì giật mình hay vì tức nữa.

Phù Ất nhìn thẻ gỗ nho nhỏ nằm trên bàn – thứ lần này y gấp gáp thúc ngựa đem về, bèn hỏi vợ: “Phu nhân viết gì trên thẻ vậy?” Y không biết chữ.

Trữ nhìn thẻ gỗ, từ tốn nói: “Tất cả đã được chuẩn bị xong xuôi, chỉ chờ phu nhân về.”

Phù Ất gật đầu, “Khi nào?”

“Vài ngày nữa.”

Nô đùa đến lúc mặt trời đứng bóng, đám trẻ bên dòng suối lần lượt ra về, một thiếu niên nông thôn đến đón em trai em gái nhìn trộm Du Thái Linh một lúc lâu, đỏ mặt dúi ba con cá chắc mẩy vào tay A Mai rồi cuống cuồng chạy đi. A Mai vui vẻ nói với Du Thái Linh: “Nữ công tử, có người nhắm trúng em nữa kìa.”

Du Thái Linh không đáp, chỉ nghiêng đầu nói với Phù Đăng: “A Đăng, huynh vẫn chưa tìm được người tài mài gương à, gương đồng trong phòng ta chẳng soi được gì cả.” Cô muốn xem xem dáng vẻ hiện giờ của mình trông như thế nào, thuận tiện cũng để A Mai soi rõ mặt mình. Thiếu niên nông thôn kia lấm lét nhìn sang bên này mấy lần, mà ở tảng đá bên này cũng chỉ có mỗi hai người là cô và Phù Đăng, nói thế nào cũng không thể là nhìn Phù Đăng… Ấy, chắc không phải thế chứ.

Phù Đăng cười đáp: “Sắp mùng Một rồi, người đi xa học nghệ hẳn đều sẽ về nhà.” Đoạn quay cậu sang nói với em gái mình: “Muội nói lung tung gì thế, con cá đó là cho nữ công tử.” Cậu cũng đã để ý thiếu niên kia cứ len lén nhìn nữ công tử nhà mình.

Du Thái Linh không biết nói gì, rầu rĩ đi trên đường làng. Ở chốn cổ đại nghèo túng này muốn gì cũng không có, gương đồng thì như gương biến hình trong nhà cười, nước sông cũng đâu soi rõ, ngay đến mặt mũi mình lớn nhỏ ra sao cô cũng chẳng nhìn rõ, chỉ biết rằng da khá trắng. Cũng không biết thẩm mỹ của thiếu niên tặng cá kia có bình thường không, lỡ như khiếu thẩm mỹ của cậu ta khác thường thì sao.

Ví dụ như người cha giàu xổi kia của cô vậy, hồi trẻ thì thích mẹ Du có văn hóa có đầu óc, chấp nhận khác biệt gia cảnh cưới mẹ Du về, làm hại phần tử tích cực là bác cả vào Đảng muộn ba năm; càng về sau, cha lại bắt đầu thích mấy ả hồ ly không não. Phong lưu như vậy mấy năm, có lần suýt bị bạn làm ăn lừa phá sản, đến lúc này cha Du mới thấu hiểu triệt để, cưới một quả phụ mạnh mẽ, tuy không học hành nhưng rất thực tế để sống qua ngày, vợ chồng đồng tâm tiếp tục phát tài.

Tuy Du Thái Linh khá ghét người cha giàu xổi đó của mình, nhưng cô cũng biết mình được di truyền đầu óc nhạy bén của ông, từ lúc đến đây cô chưa bao giờ thôi suy nghĩ cho bản thân. Xách con cá nhìn xung quanh rồi thở dài, cô rất hy vọng ‘mình’ có diện mạo xinh đẹp một tí, con gái hiện đại dù không xinh song còn có thể dựa vào việc học, nhưng cổ đại thì có được bao nhiêu nhánh đường đâu, chẳng lẽ chăm chỉ học võ lên núi làm nữ vương à. Song xét cho cùng thì cô cũng không ăn mặc như nô tỳ tiện thiếp, lại còn có người hầu hạ, âu cũng coi như may mắn.

Cô cau mày, phát hiện gần đây mình càng lúc càng thích nhớ lại chuyện kiếp trước. Vì sao lại xuyên thành nữ chứ, trở thành nam tốt biết bao, không đi học làm quan thì làm lái buôn nông dân, cô không ngại thử tình đồng giới đâu, trên đời này ắt có không ít anh chàng đẹp trai gia cảnh khó khăn đang chờ đợi cô đến cứu vớt.

Gió lạnh ngày đông lành lạnh thật dễ chịu, sau khi về nhà Du Thái Linh đưa cá cho Trữ, cười bảo: “Mỡ lợn mấy hôm trước vẫn còn, dùng để rán đầu cá đi, còn số nấm này thì đem đi nấu canh cá, cha với anh trai A Mai đi đường xa đến, uống canh là bổ nhất.” Công nghệ hiện giờ vẫn chưa đủ để chế tạo nồi sắt tử tế, tuy không xào rau được nhưng vẫn có thể rán.

Cô vừa dứt lời, Phù Ất và Phù Đăng chưa mở miệng thì A Mai và A Lượng đã nhảy cẫng reo vui, A Mai vỗ tay nói: “Canh cá ngon nhất đó, cả đuôi cá nữa, rắc gừng tiêu với nước tương lên nướng ăn đi.”

Trữ mỉm cười. Thời này mọi người chủ yếu nấu ăn bằng cách hấp, rang hoặc chiên khô, nào ngờ mấy hôm trước nữ công tử đi theo A Mai xem dân làng giết lợn, mua rất nhiều mỡ chỗ bụng lợn về, bảo bà dùng nồi sắt nấu chảy, mùi mỡ và tóp mỡ bốc lên, thơm tới mức suýt khiến hàng xóm mấy dặm xung quanh mò đến. Tóp mỡ dùng để trộn với cơm hoặc rau sống ăn, mỡ nước thì nhiều công dụng hơn, trộn với cơm rưới thêm nước tương, hoặc dùng để rán cá xào rau, đều ngon không thể tả.

Bà hỏi nữ công tử là ai nghĩ ra phương pháp này, A Mai liền cướp lời: lúc mổ lợn chia thịt, tình cờ có miếng thịt mỡ rơi trên mép chậu than, thịt mỡ dính vào chậu sắt, mỡ chảy ra tỏa mùi thơm ngào ngạt, nên nữ công tử mới nghĩ ra phương pháp đó… Thực chất lúc ấy cô bé đang bận chơi với đám trẻ, làm gì thấy thịt mỡ rơi vào chậu lửa, chẳng qua là sau đó nữ công tử kể lại chuyện này với cô bé.

“Mấy món kia đã ăn xong hết rồi, có điều hôm qua mới giết mấy con gà, để ta thử dùng bụng gà rán ra dầu, cho có mùi vị thôi cũng được.” Trữ cười nói, thật ra đây cũng chẳng phải là cách nấu nướng lạ lùng gì, ngày trước cũng có người chắt lấy mỡ nhỏ xuống khi nướng thịt trộn với cơm ăn, rất ngon, chẳng qua không ngờ dùng thịt cá đã chiên qua nấu canh lại tuyệt như thế, không hề có mùi tanh. Cách này tốt thì có tốt, chỉ là tốn củi dầu quá, nếu không phải nhà khá giả thì kham không nổi.

Nghĩ đến đây, bà càng cảm thấy nữ công tử thông minh hơn người, sau khi xuất giá hẳn sẽ là một tay quản gia cừ khôi, những tin đồn khó nghe bên ngoài chắc đều do đám tiện nhân kia thêu dệt để bôi xấu danh tiếng của phu nhân… Thực ra Trữ là một người phụ nữ tháo vát, nếu không phải quá trung thành, chỉ đâm đầu nghĩ theo một chiều thì có khi đã nhận ra sự bất ổn ở Du Thái Linh.

Nghe thế Du Thái Linh thầm giật mình, đừng tưởng người xưa kém thông minh, thú thực là ngoại trừ kiến thức hiện đại ra thì cô chẳng hơn người thời đại cũ chút gì cả. Cô chỉ mới dạy cách nấu mỡ lợn một lần, Trữ đã lập tức học một hiểu mười, biết cách nấu mỡ bò mỡ gà mỡ vịt, thậm chí còn thử nghiệm cho các loại gia vị như gừng, cánh hoa, tiêu, thù du vào, làm ra được dầu mè và dầu ớt, lại dễ bảo quản. Nếu không phải có một người phụ nữ thông minh như thế ở đây, Du Thái Linh đã vặn hỏi A Mai về niên hiệu triều đại với cha mẹ tài sản tám đời tổ tông của cơ thể này rồi.

“Cơm lúa mạch vừa chín tới, rưới thêm nước thịt chưng, canh cá đi kèm, nữ công tử nhớ dùng nhiều vào.” Ánh mắt Trữ nhìn Du Thái Linh đong đầy thương yêu như thể sắp tan thành nước tới nơi.

Cơm trộn và cơm rưới sốt là những kiểu ăn phổ biến ở nơi này, canh thịt hoặc canh rau thường được rưới lên cơm đã nấu chín rồi trộn đều, những gia đình giàu có thì sẽ phối thêm cá nướng hoặc các món ăn kèm. Du Thái Linh vốn rất thích tay nghề của A Trữ, bèn làm ra vẻ xấu hổ, cúi đầu vào nhà rửa tay chờ cơm.

Bữa trưa thực sự rất ngon, vị cơm trộn canh thịt đậm đà, canh cá nấu nấm vừa thanh vừa ngon miệng, không chỉ mấy đứa nhỏ mà cả hai cha con Phù Ất Phù Đăng cũng ăn khỏe hơn. Thời này một ngày vốn chỉ dùng cơm hai bữa, nhưng vì Du Thái Linh mới khỏi bệnh, Trữ chỉ hận không thể bắt cô ăn một ngày năm bữa để bồi bổ, dĩ nhiên tỷ đệ A Mai cũng được lợi, mấy ngày qua hai gương mặt nhỏ choắt đã hồng hào căng bóng hơn.

Ăn cơm xong, cầm một tô quýt ngọt ngồi sưởi ấm bên lò lửa, nghe A Mai tíu tít về những chuyện trong làng, Du Thái Linh chợt cảm thấy cuộc sống này cũng không tệ, không ngại bị phạt mãi thế này.

Ai ngờ Trữ lại bỗng nói: “Ngày mai trong phủ sẽ có người đến đón nữ công tử về.” Câu này chẳng khác gì một gáo nước lạnh dội xuống đầu Du Thái Linh, cô ngẩn ngơ, cũng chẳng biết nên hỏi gì.

Điểm khác biệt giữa ít nói và bẻm mép là, nếu Du Thái Linh đột nhiên bật khóc bảo ‘Ta nhớ cha mẹ lắm.’ thì người lắm miệng sẽ thuận nước kể hết chuyện cha mẹ của Du Thái Linh, từ việc đã quen biết yêu nhau thành thân sinh con rồi đến cả lúc rời xa con gái như thế nào, còn người ít nói – như A Trữ đây thì chỉ im lặng cúi đầu, hoặc cùng lắm cũng chỉ ‘Ừ’ cảm thán một tiếng thôi.

Nếu Du Thái Linh cố hỏi nhử: “Trữ à, bà có biết cha mẹ ta là người thế nào không?”, Trữ cũng sẽ chỉ nề nếp đáp một câu ‘chuyện của chủ nhân, phận nô tỳ chúng tôi không dám nhiều lời’, ngoài ra không nói dư một câu. Cho nên giờ đến chuyện cha mẹ của cơ thể này sống chết ra sao Du Thái Linh cũng không biết.

Nói bóng gió kiểu đó, mấy ngày nay không biết Du Thái Linh đã thử bao nhiêu lần rồi. Nhưng cô không dám hỏi thẳng rằng hiện tại là ai nắm quyền ở trong phủ, ai sẽ chăm sóc lo liệu cho cuộc sống bình thường của cô, hỏi cha mẹ ruột cô hiện đang như thế nào, người thông minh chỉ cần nghe cũng biết có gì đó sai sai, huống hồ là người tinh tế như Trữ.

Nhìn dáng vẻ thất hồn lạc phách của Du Thái Linh, Trữ cảm thấy không đành lòng, định nói cho cô biết chút chuyện nhưng nhớ đến lời dặn của phu nhân thì lại không dám nói nhiều, bèn thấp giọng bảo: “Nữ công tử chớ sợ, lần này đi đã hạ quyết tâm rồi, nên thế nào thì cứ thế ấy thôi.”

Du Thái Linh bình tĩnh nhìn Trữ, nghĩ bụng thế này thì phải hỏi trực tiếp rồi, nhưng ngoài mặt vẫn vờ đáng thương, thút thít nói: “Trữ à, ta thực sự đã phạm phải sai lầm lớn đến vậy sao?” Đấy là câu hỏi nghe như cảm thán suông, không thể tìm ra manh mối nào, chính cô cũng phải tự khen mình.

Trữ tức giận nói: “Nữ công tử nào có lỗi! Một không giết người phóng hỏa, hai không ăn trộm hiếp yếu.”

Không phải án hình sự là ổn rồi, còn kiện tụng dân sự thì cũng chẳng phạt nặng gì với người vị thành niên, Du Thái Linh thầm thở phào, nhưng vẫn nức nở nói: “Vậy… vì sao lại phạt ta tới đây?”

Trữ bực mình bảo: “Đám người đó đều chẳng phải hạng tốt đẹp gì! Khinh thường nữ công tử không có…” Bà dừng lại kịp thời, thở hắt ra, đoạn nói: “Nữ công tử yên tâm, bọn họ không dám càn rỡ với người đâu.”

Không lẽ cha mẹ của cơ thể này đã ‘lên đường’ thật rồi?! Du Thái Linh hồ nghi, cô nhận thấy Trữ muốn nói gì đó nhưng phải dằn xuống, có vẻ rất xoắn xuýt. Nghĩ một hồi, cô chỉ biết nhỏ giọng nói: “Ta sợ nếu giờ mình đi thì sẽ không giữ được toàn mạng.”

Nghĩ đến cô bé còn hấp hối mười mấy ngày trước, Trữ thở dài, nắm tay Du Thái Linh bảo: “Nô tỳ xin nói một câu cuối cùng, không một ai dám động đến tính mạng của nữ công tử đâu.” Bà vẫn không nhịn được để lộ một chút.

Nhờ đó mà Du Thái Linh đã có áng chừng trong bụng.

Chiều hôm đó cả nhà Trữ bận rộn sột soạt bên ngoài, đến tối ngủ một giấc no say, hôm sau thức dậy lại phát hiện khoảng sân nhỏ có thay đổi, những vật dụng ấm áp thân thuộc đã biến mất, mấy chai hũ mắm muối trong bếp cũng thiếu hơn nửa, toàn bộ sân nhà trở nên vắng tanh… mà quan trọng hơn, trời còn chưa sáng cha con Phù Ất Phù Đăng đã đi rồi.

Ai ngờ người trong phủ mãi không đến, tới khi Du Thái Linh vừa ngủ trưa dậy thì mới thấy hai chiếc xe ngựa rề rà tiến đến, Trữ thầm khinh bỉ: từ trong phủ đến đây chỉ là chặng đường không quá nửa ngày, nếu lên đường từ khi trời còn tờ mờ thì đã đến nơi trước giữa trưa rồi, chứng tỏ đám tâm phúc của ả đàn bà đáng khinh kia quá lười, mặt trời lên cao rồi mới lên đường.

Du Thái Linh bị kéo lên xe ngựa khi còn đang mơ màng, Trữ định dặn dò thêm mấy câu, nhưng dưới bao con mắt xung quanh, bà đành nuốt tất cả vào bụng, A Mai A Lượng thì lưu luyến không nỡ chia tay. Bên trong xe toàn đồ gấm thêu hoa mỹ, cũng không thiếu chăn đệm lò sưởi, đáng tiếc xe thời xưa không có trang bị chống xóc nảy, nên chỉ trong vòng hai nén nhang đã khiến Du Thái Linh hoàn toàn tỉnh táo, nghe thấy một giọng nữ sắc sảo cứ nói liên tục từ khi lên xe. Giọng nói kia thực chất là đang quở trách cô không có phong thái thục nữ thế nào, khó dạy dỗ thế kia, phu nhân nhà bà ta đã vất vả dạy dỗ ra sao, vân vân.

Du Thái Linh ngẩng đầu nhìn người đàn bà gầy còm kia, cô nheo mắt, ban nãy nghe thấy Trữ gọi bà ta là ‘Lý quản phụ’. Cô rất không ưa người đàn bà này. Lý quản phụ nhìn Du Thái Linh, thực rõ ràng, bà ta cũng không thích cô.

Lý quản phụ mặc thâm y khúc cư* màu lam sẫm, bên hông quấn đai lưng gấm màu đỏ thắm, trên đầu cài không ít vàng bạc, khác biệt hoàn toàn với Trữ thường chỉ búi tròn sau gáy, tóc bà ta phải búi khoảng ba búi: tóc mai quấn hai búi hình trăng khuyết rũ bên tai, đỉnh đầu quấn một búi tam giác cao chót vót, lại cài ba chiếc trâm vàng trông hệt như ba cây nhang, số phấn trắng vỗ trên mặt không tới một cân thì cũng phải tám lạng. Du Thái Linh thực sự tuyệt vọng trước tính thẩm mỹ của thời đại này, một lần nữa lo lắng cho ngoại hình của mình.

(*Khúc cư là trang phục thịnh hành vào thời Tần Hán, nam nữ đều có thể mặc, đặc điểm nổi bật là tà áo được quấn theo đường xoáy ốc, ảnh.)

“… Những gì tôi vừa nói, Tứ nương tử có nghe rõ không?” Giọng của Lý quản phụ càng sắc lẹm hơn.

Du Thái Linh cực kỳ khó chịu, cô nào phải người hiền lành, từ bé sau khi cha mẹ ly hôn, cô còn tính làm Thập Tam Muội như trong Cổ Hoặc Tử*, đâu ngờ thế nào lại học đại học làm công dân lương thiện.

(*Thập Tam Muội là chị đại xã hội đen trong phim Cổ Hoặc Tử, do Ngô Quân Như thủ vai.)

“Không nghe rõ.” Cô hờ hững khép tay áo rộng lại.

Lý quản phụ nổi giận trong bụng, cứ tưởng Du Thái Linh nếm vị đắng ở cái chốn quê nghèo này thì sẽ ngoan ngoãn lại, nào ngờ vẫn khó hầu hạ như thế, nhưng bà ta chỉ có thể nén giận, nói chuyện quan trọng hơn: “Tôi nói với nương tử, phu nhân rộng lượng, đã tha thứ cho sai lầm của Tứ nương tử, lần này quay về Tứ nương tử phải ngoan ngoãn nghe lời của phu nhân đấy.”

Du Thái Linh nheo mắt, con người cô rất biết nói phải trái, ai tốt với cô thì cô chẳng việc gì gây hấn, ngoan ngoãn khỏi phải bàn, nhưng nếu ai dữ với cô, cô sẽ không khách khí, đâu phải cô bấm bụng chịu đến cái xó khỉ ho gà gáy này, cùng lắm thì mất thêm một cái mạng, đầu thai lần nữa thôi!

“Nhiều phu nhân thế, ai biết phu nhân nào!” Phu phu mười tám đời tổ tông nhà bà ấy! Sao không gọi là ma ma đi!

“Phu nhân chính là thẩm của nương tử!” Lý quản phụ cao giọng, “Ngay tới thẩm mình là ai mà nương tử cũng không biết?”

“Dĩ nhiên ta biết.” Du Thái Linh bình thản, “Là bà vợ già của thúc phụ!”

“Nương, nương tử…” Lý quản phụ suýt không thở nổi, tay run run chỉ vào Du Thái Linh, “Nương, nương tử có biết thế nào là kính trên nhường dưới, ôn lương cung kiệm không?! Dám nói ra lời lỗ mãng như thế, chẳng lẽ còn muốn chịu phạt?”

Bà ta thấy lạ, dù gì con nhóc này cũng lớn lên dưới con mắt của bà ta, giỏi nhất là mềm nắn rắn buông, chuyên cậy mạnh bắt nạt người hầu, song khi có người cứng hơn thì lại nhu nhược ngay. Những năm qua mỗi lần phu nhân phạt nặng con nhóc này xong, chỉ cần lôi kéo thăm hỏi thêm chút nữa là nó sẽ ngoan ngoãn ngay.

Du Thái Linh nhíu mày, nói: “Ta ốm nặng một trận, suýt nữa đã chết, nhờ vậy mà nghĩ thông suốt được rất nhiều chuyện, tính cách ta là thế đấy, ngươi muốn nhảy lên đầu ta ngồi hả, đừng mơ! Có giỏi thì đừng đến đón ta nữa! Giờ ta xuống xe quay về ngay!”

Mười mấy ngày qua đâu phải cô đợi suông, ngày ngày ra cửa ngắm nhìn tình hình thôn quê, nghe ngóng chuyện nhà này nhà kia, cái gọi là ‘trên làm ắt dưới theo’ trong nếp sống xã hội giữa quý tộc và bình dân chắc hẳn cũng không quá khác nhau. Vùng nông thôn này vốn là chỗ giao giữa các điền trang của mấy quý tộc nhà giàu, chỉ trong vòng mấy ngày ngắn ngủi, cô đã nghe thấy những người trong thôn kể nhau nghe trong nhà chủ nhân có ba vụ từ hôn bốn vụ tái giá, còn có một vụ tân lang tân nương đánh đập cãi nhau… Cô loáng thoáng cảm thấy người nơi này khá thoáng, kỷ cương phép tắc không quá nghiêm khắc như thời cổ đại mà cô biết.

Lý quản phụ thấy đứa bé gái trước mặt làm dữ thì vội trưng ra vẻ trưởng bối, cao giọng nói: “Cha mẹ nương tử không quan tâm nương tử, thẩm của nương tử dạy dỗ mười năm qua cả ngày lẫn đêm, vất vả biết bao, vậy mà nương tử lại ngông nghênh đến thế!”

Nghe câu này, phản ứng đầu tiên của Du Thái Linh là ‘thì ra cha mẹ của cơ thể này vẫn chưa chết’, phản ứng tiếp theo là ‘không lẽ cả hai đời khác đường nhưng cùng đích, cơ thể này cũng mang số mệnh cha mẹ ly hôn từ nhỏ’?

Cha mẹ Du là cặp vợ chồng đầu tiên ly hôn sau khi thị trấn được mở rộng, dù về sau cũng có rất nhiều cặp ly hôn, nhưng vào thời điểm đó người dân trong thị trấn thảo luận bàn tán rất rầm rộ, ngay đến Du Thái Linh vẫn đang đi nhà trẻ cũng bị chỉ trỏ mỗi ngày. Cô không bị dư luận ép tới mức trở thành đứa tự ti nhút nhát, trái lại còn tiến hóa ngược một cách không bình thường, trở nên ngỗ ngược và lì lợm.

Du Thái Linh rút ra một cây trâm, dùng nó khơi nắp lò cầm tay trên bàn, xắn tay áo cầm bếp lò lên, trưng ra dáng vẻ của một đứa lưu manh, hằn học nói: “Cái thứ tiện tỳ nhà ngươi, có tin ta hất chỗ than đỏ này vào mặt ngươi không?!”

Chương trước Chương tiếp
Loading...