Nương Nương Nàng Không Muốn Cung Đấu
Chương 120: C120: Hoa dành dành
Mao Hoành Mạc là một bậc thầy hội họa của tiền triều, đặc biệt nổi tiếng với những bức tranh phong cảnh, dưới ngòi bút của ông cảnh vật núi non như được thổi hồn, vừa hùng vĩ lại vừa duyên dáng, khiến người ta nhìn mà ngỡ như đang đứng giữa thiên nhiên gió ngàn.
Nhưng những bức tranh ông để lại cũng không nhiều.
Tranh của Mao Hoành Mạc có thể xem như kiệt tác, nhưng lúc ông còn sống lại không có chút tên tuổi nào. Gia đình có cửa hàng buôn bán kiếm sống như ông không thạo kinh doanh, chỉ say mê vẽ tranh, đến lúc tuổi già gia cảnh suy lụi, Mao Hoành Mạc muốn bán tranh lấy tiền sống qua ngày, nhưng không tìm được Bá Nhạc, không ai thưởng thức tranh của ông.
Sau khi liên tục gặp trắc trở, ông quyết định đốt hết số tranh mình tâm huyết cả đời. Từ đó về sau ông không vẽ thêm bức tranh nào nữa, những bức tranh còn lưu lại hậu thế chỉ còn đâu đó khoảng năm bức, đều là những bức Mao Hoành Mạc tặng bạn bè khi còn sống.
Sau khi Mao Hoàng Mạc lìa trần, một trong số những người bạn mà ông đã tặng tranh vô tình làm quen được với một danh sĩ khác tên Bàng Mẫn. Bàng Mẫn thành danh từ sớm, thời đó là người mà không ai không biết, nếu Bàng Mẫn khen một bức tranh nào đó mấy câu thì nó có thể từ một bức tranh không ai hỏi tới thành một bức tranh có giá trên trời.
Người bạn kia đưa bức tranh của Mao Hoành Mạc cho Bàng Mẫn xem, Bàng Mẫn xem xong thì lời khen không dứt, còn nói: chỉ tiếc không được nhìn bức họa này sớm hơn, nếu không thì có thể đàm đạo với Mao Hoàng Mạc thật tốt rồi.
Sau khi những lời khen của Bàng Mẫn truyền đi, mọi người đều cảm thấy tò mò với bức tranh của Mao Hoành Mạc, muốn nhìn xem bức họa thế nào mà khiến danh sĩ trứ danh lại thưởng thức đến vậy.
Sau một hồi tìm kiếm, mọi người mới phát hiện những bức tranh của Mao Hoành Mạc để lại rất ít. Đồ hiếm giá trị lại càng cao, hơn nữa sau này một số người hiểu hội họa xem tranh của Mao Hoành Mạc đều ca ngợi không dứt, vì vậy những bức họa của ông càng trở nên đắt giá, ngàn vàng khó cầu.
Đến bây giờ, những bức họa của Mao Hoàng Mạc lưu truyền bên ngoài đại đa số đều là những bức mô phỏng lại, bút tích thực của ông rất khó tìm, Nhị Công chúa nghe nói Vi tam công tử đã tìm tranh của Mao Hoàng Mạc rất lâu mà không có kết quả gì, cảm thấy nếu lúc mình gả đến đó mang theo bức tranh của Mao Hoàng Mạc thì nhất định Vi tam công tử sẽ kính trọng mình thêm vài phần.
Phùng Chiêu nghi căn bản không biết độ quý hiếm của bức tranh ấy thế nào, nghe lời Nhị Công chúa nói xong liền đáp ứng ngay: "Không phải chỉ là hai bức tranh thôi sao, yên tâm, bao giờ phụ hoàng con về ta sẽ xin Hoàng thượng ban thưởng cho con."
"Cảm ơn mẫu phi." Nhị Công chúa nghĩ đến cảnh Vi tam công tử nhìn thấy hai bức vẽ của Mao Hoàng Mạc mà cảm nhận được tâm ý của nàng ta, ánh mắt nhìn nàng ta càng thêm trìu mến thì nụ cười càng thêm ngọt ngào.
Những ngày ở hành cung của Khương Mạn thập phần phong phú, dẫn Nhị Hoàng tử đi chơi, trò chuyện với thái hậu, ngẫu nhiên còn ngắm cảnh vẽ tranh viết chữ cùng Vĩnh An đế, hoặc là chơi cờ phẩm trà.
Nháy mắt các nàng đã đến hành cung được nửa tháng, tuy trong kinh nhiệt độ càng ngày càng cao, nhưng hành cung thì vẫn mát mẻ như trước.
Trong nửa tháng này, trừ Khương Mạn ra thì Vĩnh An đế không cho gọi người khác thị tẩm.
Điều này làm cho những người tràn đầy hy vọng sẽ được thị tẩm ở hành cung như mấy người Mạnh Tiệp dư hận đến nghiến răng nghiến lợi.
Ngày hôm đó, thái hậu nổi hứng mời gánh hát Đức Xương tới biểu diễn, sân khấu được dựng ở U Hà Uyển, cả Vĩnh An đế, phi tần tùy giá và đại thần gia quyến đều nhận được thư mời.
"Sao tự dưng thái hậu nương nương lại muốn mời mọi người xem hí khúc chứ?" Liễm Thu vừa chải đầu giúp Khương Mạn vừa hỏi.
"Có lẽ chỉ là muốn náo nhiệt hơn thôi." Từ sau khi đến hành cung, thái hậu dường như thoải mái hơn không ít, cho nên Khương Mạn nghĩ lần này thái hậu mời mọi người xem hí khúc chỉ đơn thuần là muốn bầu không khí náo nhiệt hơn mà thôi.
Khương Mạn nói xong, cầm một bộ diêu ướm lên đầu mình, nhìn một lát lại bỏ sang một bên, lại cầm một cây trâm hồng san hô lên, nhưng lại tiếp tục bỏ xuống.
"Ồ." Liễm Thu gật đầu hiểu ý, lấy từ trong hộp trang sức ra một cây trâm ngọc trai ướm thử lên tóc Khương Mạn, "Chủ tử, cái này được không?"
Khương Mạn gật đầu, "Cài thử lên xem."
Liễm Thu cài trâm vào búi tóc của Khương Mạn, Khương Mạn nhìn vào gương, nói: "Hình như vẫn thiếu cái gì đó."
Liễm Thu nghiêng đầu suy nghĩ một chút, nói: "Nô tỳ biết thiếu cái gì rồi, chủ tử người ngồi đợi nô tỳ một lát."
Liễm Thu nói xong liền bỏ chạy ra ngoài, Khương Mạn gọi cũng không đáp lại, thấy thế Khương Mạn chỉ biết lắc đầu tháo vòng tay hỷ điệp bằng vàng trên tay xuống, thay bằng một đôi vòng trụ trúc bằng ngọc lưu ly. Đôi vòng trong suốt đến phát sáng, lại phảng phất ánh xanh lục, thoạt nhìn nhẹ nhàng mà thanh lịch vô cùng.
Hôm nay nàng mặc váy màu xanh nhạt, áo trên có màu xanh sẫm hơn một chút, rất phù hợp với cặp vòng lưu ly này.
Khương Mạn đổi xong vòng tay, lại ngồi đợi một lát mới thấy Liễm Thu thở hổn hển chạy vào.
Vãn Đông đưa khăn tay cho Liễm Thu để nàng lau mồ hôi trên mặt, hỏi: "Ngươi đi đâu vậy, sao lại thở hổn hà hổn hển thế này?"
Liễm Thu chìa bàn tay đang cầm một ít hoa dành dành nàng vừa mới hái, "Ta mới đi hái mấy bông hoa dành dành ở ngoài U Hoàng Uyển, để chủ tử cài lên chắc chắn sẽ rất đẹp."
Cũng không biết hoa dành dành ở đây có phải là được cấy tạo giống mới không mà không phải màu trắng như bình thường, thay vào đó là màu xanh nhàn nhạt, nhìn thoáng qua thì như màu trắng, nhưng nhìn kỹ lại thấy ánh xanh, dù sao thì cũng rất đẹp.
Khương Mạn nhìn mấy bông hoa trong tay Liễm Thu, lắc đầu nói: "Mấy bông hoa dành dành này vốn cũng chỉ có vài cây, vậy mà ngươi hái ngần này, đến lúc người chăm vườn ở đây phát hiện ra chắc sẽ đau lòng lắm."
Liễm Thu lè lưỡi, phản bác lại: "Không phải nói 'hoa nở đáng bẻ phải bẻ ngay, đừng chờ hoa rụng bẻ cành không' (1) sao? Mấy cây hoa này nếu cứ để đấy thì sớm muộn cũng sẽ rụng thôi, vậy mới là đáng tiếc, không bằng để nô tỳ hái cho chủ tử cài đầu, như vậy cũng hoa này nở cũng coi như đáng giá."
(1) bản dịch nghĩa của bài thơ "Kim lũ y" của Đỗ Thu Nương (nguồn: thivien.net)
"Nếu nói mấy người chăm hoa ở đây sẽ buồn thì càng không thể, nếu bọn họ biết nô tỳ hái mấy cây hoa này để chủ tử cài đầu, nói không chừng chưa cần nô tỳ động thủ, bọn họ đã chủ động cầm kéo cắt những cành đẹp nhất dâng lên cho người rồi."
Khương Mạn thịnh sủng đến mức nào chỉ cần ai có mắt đều có thể hiểu rõ, Vĩnh An đế ở hành cung lâu như vậy mà chỉ triệu mỗi Khương Mạn thị tẩm, hơn nữa lúc sắp xếp phân chia nơi ở, Đại tổng quản của Vĩnh An đế là Triệu Toàn Phúc đã tự mình dặn dò người ở hành cung, nói là muốn sắp xếp chỗ ở của Khương Mạn gần U Tuyền Điện của Vĩnh An đế một chút.
Nếu không người ở hành cung cũng không sắp xếp cho Khương Mạn ở U Hoàng Uyển.
Hạ nhân hầu hạ ở đây đương nhiên đều rõ, nịnh bợ Khương Mạn còn không kịp, sao có thể vì mấy đóa hoa mà đắc tội với Khương Mạn chứ. Đừng nói là Khương Mạn chỉ muốn hái mấy cành, cho dù nàng muốn nhổ sạch những bông hoa bọn họ vất vả lắm mới trồng được thì bọn họ cũng sẽ không từ chối câu nào.