Dệt Kén
Chương 18: C18: Đau lòng cho tôi sao
Rạng sáng mới về nhà, sáng ra Lê Đường nằm ỳ hơn nửa tiếng mới bò dậy mặc quần áo và đánh răng rửa mặt.
Vì thế cậu xuống tầng muộn hơn bình thường rất nhiều, lúc bám tay vịn cầu thang đi xuống như du hồn, nghe thấy giọng ông bố Lê Viễn Sơn mà Lê Đường còn tưởng đang nằm mơ.
"Tất cả là do em tự chọn, đừng nhìn anh bằng ánh mắt thù hằn ấy."
Lê Viễn Sơn ngồi ở sô pha chính giữa, Trương Chiêu Nguyệt ngồi ở sô pha đơn bên cạnh quay lưng về phía cầu thang, Lê Đường không thể nhìn thấy nét mặt mẹ.
"Chuyện đã qua em sẽ không so đo, nhưng anh dựa vào đâu mà giấu em?" Giọng Trương Chiêu Nguyệt có chút đau thương: "Em còn tưởng nó đã lên đại học, không còn ở Tự Thành nữa rồi, sao lại... Sao lại..."
Lê Viễn Sơn hơi mất kiên nhẫn: "Muộn tầm một năm có gì lạ, anh đã hứa với em sẽ giúp nó học xong thì nhất định sẽ giúp, em ở đây khóc lóc ỉ ôi, nhỡ..."
Lê Viễn Sơn đang nói dở bỗng quay đầu lại như cảm nhận được, trông thấy Lê Đường đang đi xuống thì ngẩn người, kế đó nghiêm mặt nói: "Mấy giờ rồi mà con còn ở nhà?"
Lê Đường không trả lời, bước nhanh xuống cầu thang, vào bếp lấy bữa sáng bác giúp việc chuẩn bị sẵn rồi ra cửa.
Khi đi ngang qua Trương Chiêu Nguyệt cậu không kìm được liếc sang, đáng tiếc Trương Chiêu Nguyệt đang cúi đầu lau nước mắt, không nhìn cậu lấy một cái.
Lê Đường lên xe mở túi đồ ăn sáng, mùi thịt lập tức ùa vào xoang mũi. Cậu cúi đầu nhìn bánh bao trắng mềm tròn trịa nhưng không khiến người ta thèm ăn chút nào một chốc, đoạn đóng túi giấy lại.
Lê Đường hạ cửa kính xe, gió thốc vào mặt cũng không thể xua tan nỗi nghi ngờ và phiền muộn trong lòng, thậm chí cậu còn nảy sinh xúc động muốn bảo tài xế quay xe về nhà, hỏi thẳng mặt phụ huynh ở nhà rằng "nó" mà bố mẹ nói là ai.
Và cả "em tự chọn" là thế nào, chẳng lẽ trở thành mẹ của con cũng khiến mẹ cảm thấy hối hận ư?
Không muốn làm khó tài xế nên sau cùng cậu không quay về.
Đến lớp vừa kịp giờ truy bài tiếng Anh buổi sáng, cô tiếng Anh trông lớp bên cạnh, Lê Đường làm cán sự bộ môn đứng trên bục giảng giám sát.
Tâm trạng cậu ủ rũ, mắt mở trừng trừng nhưng tinh thần đã trôi dạt khỏi sách giáo khoa, trong đầu chốc thì là Trương Chiêu Nguyệt khóc, chốc thì là câu nói "nhưng tôi chưa từng đón sinh nhật" giữa ánh sáng ảm đạm tối hôm qua.
Còn cả chữ "ngốc" vô cùng thân mật nhưng lại khiến người nghe cảm thấy xa xôi ấy nữa.
Lê Đường chống cằm, lắc lư đầu.
Trên thế giới này, ngoại trừ mình thì dường như mọi người đều là câu đố.
Hết tiết Lê Đường đi thu bài tập tiếng Anh, tổ bốn thiếu một bài, kiểm tra mới biết Tưởng Lâu không nộp.
Cũng không thấy Tưởng Lâu ở trong lớp. Tuy bình thường hắn ưa đi muộn nhưng cùng lắm là không truy bài chứ chưa bao giờ nghỉ học, bây giờ chuông chuẩn bị vào tiết một sắp reo mà bàn cuối cùng cạnh cửa sổ tổ bốn vẫn trống không.
Lê Đường đi xuống hỏi bạn cùng bàn của Tưởng Lâu là Hoắc Hi Thần: "Sao cậu ấy không đến?"
Hoắc Hi Thần như chưa tỉnh ngủ, hỏi mấy lần mới hoàn hồn: "... Tôi đâu có biết."
Gọi điện cho Tưởng Lâu nhưng mãi không được, ra chơi tiết hai Lê Đường lên thẳng văn phòng.
"Tưởng Lâu không đi học sao?" Cô Lưu đang định kêu hắn phát đề: "Thằng nhóc này lại chạy đi đâu rồi."
Đúng ra thì thứ bảy xem như là học thêm, bình thường cũng có học sinh không đến trường vào thứ bảy, thành thử giáo viên cũng không để ý.
Lê Đường mù mờ ôm tập đề về lớp, gặp Chu Đông Trạch đi từ đằng trước lại.
Chu Đông Trạch chủ động cầm đống đề phụ trách phân phát, nói với Lê Đường: "Đừng lo, cậu ấy không sao."
Đối diện ánh mắt ngờ vực của Lê Đường, Chu Đông Trạch thở dài như thể không còn cách nào: "Nghỉ trưa chờ tôi một lát, có chuyện nói với cậu."
Suốt buổi sáng Tưởng Lâu đều không xuất hiện.
Lê Đường định tranh thủ thời gian buổi trưa đến nhà Tưởng Lâu tìm, vừa ra cửa lớp thì bị Chu Đông Trạch gọi lại.
"Nếu nhớ không nhầm thì hôm nay là ngày giỗ của bố Tưởng Lâu." Chu Đông Trạch đứng ngoài hành lang lớp học: "Trước đây vào ngày này cậu ấy đều không đi học."
Lê Đường ngây người: "... Sao cậu biết?"
"Cấp một tôi học cùng lớp với cậu ấy, trước năm mười tuổi nhà tôi ở phía Tây thành phố, rất gần nhà cậu ấy."
"Sao trước giờ không nghe cậu nhắc?"
"Tôi chỉ quen cậu ấy lâu chứ không thân, cậu ấy cũng không thiếu một người bạn như tôi."
Câu này nghe thì bình thường, nhưng ngẫm kỹ có thể nhận ra sự kỳ lạ trong đó.
Lê Đường nghĩ ngợi: "Cậu với cậu ấy có xích mích?"
"Cái đấy thì không." Chu Đông Trạch cười: "Chỉ là hồi bé tôi hơi sợ cậu ấy."
Lê Đường lại ngây người.
Cậu ta dùng từ "sợ".
Dựa vào ký ức còn sót lại, Chu Đông Trạch kể bố Tưởng Lâu đã qua đời vì cứu một đứa bé.
Ông Tưởng làm nghề lái xe tải, quanh năm chạy qua chạy lại các công trường. Mùa thu hai mươi năm trước, ông ấy lái xe hàng đầy ắp về nhà, khi sắp đến cửa nhà thì gặp một đứa bé băng qua đường cái, ông ấy phanh gấp tránh đứa bé, chiếc xe chở quá tải trọng, quán tính làm hàng hoá trong thùng trượt lên trước, cốt thép nặng cả tấn đục thủng buồng lái phía trước.
Người chết tại chỗ, xác bị đâm biến dạng. Đứa bé ấy lại không tổn hại chút nào, lao vụt sang bên kia đường rồi được mẹ nó bế đi.
Vụ tai nạn gây xôn xao khá lớn tại địa phương, nhất là người dân xung quanh hầu như đều biết chuyện.
Khi ấy Chu Đông Trạch sáu tuổi được bố mẹ dạy bảo bằng chuyện đó, từ bấy đi sang đường luôn cực kỳ cẩn thận.
"Sau đó bọn tôi lên cấp một, ngày đầu đi học giáo viên cũng lấy chuyện này để nhắc bọn tôi chú ý an toàn giao thông, còn nói là con của người tài xế xe hàng ở ngay lớp bọn tôi, cũng chính là Tưởng Lâu. Giáo viên bảo bọn tôi quan tâm cậu ấy nhiều hơn, đừng bắt nạt cậu ấy, cậu ấy không chỉ mất bố mà từ rất sớm đã không có mẹ."
"Đấy là lần đầu tiên tôi gặp Tưởng Lâu sau khi bố cậu ấy qua đời, trước đó cậu ấy còn chơi với tụi trẻ con bọn tôi, nhưng từ khi bố mất thì cậu ấy thay đổi, trở nên lạnh nhạt, thậm chí còn đáng sợ. Ấn tượng sâu sắc nhất là năm ấy trong lớp có một góc sinh vật, nuôi trồng động thực vật đám học sinh mang từ nhà đến, hầu hết là hoa cỏ, thỉnh thoảng có động vật như côn trùng, cá vàng, rùa con các loại, mọi người thay phiên nhau chăm sóc theo bảng trực nhật."
"Khi đó có một bạn học vớt nòng nọc ở ao thả vào góc sinh vật để nuôi, đúng lúc học đến bài Nòng nọc đi tìm mẹ, trẻ con nói chuyện ngây ngô, có một thằng nhóc hỏi Tưởng Lâu là nòng nọc cũng biết đi tìm mẹ, sao cậu lại không tìm. Hôm ấy đến lượt tôi và Tưởng Lâu trực nhật, tôi đi vệ sinh, quay về thì không thấy bình thủy tinh nuôi nòng nọc nữa, hỏi Tưởng Lâu ở đâu thì cậu ấy nói chúng nó đi tìm mẹ rồi."
"Về sau tìm được bình thủy tinh trong thùng rác cạnh tòa nhà dạy học. Mà mấy con nòng nọc, chính xác là xác mấy con nòng nọc xuất hiện ở ngăn bàn của thằng nhóc hỏi Tưởng Lâu sao không đi tìm mẹ."
Lê Đường nghe đến đây thì rùng mình, sau đó hỏi vặn: "Vậy cũng không thể chứng minh là Tưởng Lâu làm chứ, không phải sao?"
Chu Đông Trạch không trả lời mà nói: "Tôi học cùng Tưởng Lâu đến năm lớp 3, năm ấy Tưởng Lâu đánh nhau với tụi học sinh cấp hai, cậu ấy một chọi bốn, đánh cho mấy thằng đấy vào viện hết, có một thằng gãy tay với một thằng rơi răng cửa."
Lê Đường biết việc này: "Nhưng tai Tưởng Lâu cũng bị tụi nó đánh... đánh bị thương còn gì."
Cậu không muốn dùng từ "điếc", cảm thấy đó là một sự sỉ nhục với Tưởng Lâu.
Chu Đông Trạch tỏ vẻ ngạc nhiên như không ngờ Lê Đường hay chuyện.
"Đúng là thế, nhưng chắc hẳn cậu không biết nguyên nhân sự việc nhỉ?" Chu Đông Trạch nói tiếp: "Về sau nhà trường điều tra việc này, mấy thằng cấp hai vốn là muốn cướp tiền, ngờ đâu trên người Tưởng Lâu không có gì đáng giá, một thằng trong đó lẩm bẩm câu nghèo như thế không phải trẻ mồ côi đấy chứ, Tưởng Lâu đã định đi rồi lại quẳng cặp nhào vào tụi nó."
Cách mô tả này khiến Lê Đường nhớ đến hồi mới khai giảng mình bị lũ đầu gấu chặn ở cổng trường, Tưởng Lâu cũng xuất hiện đột ngột rồi im ỉm vung nắm đấm.
"Thế cũng là lỗi của mấy thằng cấp hai." Lập trường của Lê Đường rất kiên định: "Bắt nạt học sinh tiểu học, tụi nó còn có lý không?"
Chu Đông Trạch lắc đầu: "Không phải tôi muốn phân đúng sai, ý tôi là Tưởng Lâu là một người có thù tất báo như vậy đấy. Sau đợt đó tôi chuyển trường, lên cấp hai còn học lại một năm vì một vài chuyện, không ngờ lại gặp Tưởng Lâu ở trường cấp ba, mấy năm không gặp cậu ấy đã thay đổi, trở nên nhiệt tình thân thiện, lúc nào cũng có rất nhiều người vây quanh..."
Nhận ra lạc đề, Chu Đông Trạch ngừng giây lát rồi nói tiếp: "Lần trước hai thằng lớp bên bị thương trong phòng dụng cụ, cậu còn nhớ không?"
Lê Đường mù mịt gật đầu. Đương nhiên cậu nhớ, hai thằng đó nghĩ Tưởng Lâu không có mặt thì đặt biệt danh "anh Điếc" cho Tưởng Lâu.
"Ban đầu tôi cũng tưởng là sự cố, nhưng tiết thể dục tuần trước tôi gặp Triệu Úc Đào ở phòng dụng cụ, cũng là lớp phó thể dục lớp bên, cái thằng bị đập gãy xương ấy." Chu Đông Trạch lại nghỉ một chốc mới nói: "Nó bảo tôi, giá để quả tạ không sập vì đã cũ mà có người tháo hai cái ốc vít làm nó không chắc chắn, rút sào ra thì giá nghiêng đi, đập lên người nó... Cho nên bố mẹ nó mới yêu cầu nhà trường điều tra kỹ lưỡng."
"Bình thường cũng chỉ có lớp phó thể dục các lớp vào phòng dụng cụ, mà thời khóa biểu mỗi lớp đều công khai..."
Nói tới đây, Chu Đông Trạch nhìn Lê Đường: "Hôm đó, thật ra cậu ấy ở ngoài phòng riêng phải không?"
Lê Đường biết "cậu ấy" là chỉ Tưởng Lâu.
Tim đập dồn dập, Lê Đường phủ nhận: "Không, không phải, cậu đừng đoán bừa."
Không phải Chu Đông Trạch không nhận ra sự né tránh trong mắt Lê Đường.
Chu Đông Trạch thở dài nản chí, nói: "Tôi cũng không muốn suy đoán cậu ấy một cách ác ý, nhưng tôi rất lo... Ít nhất thời gian tôi quen cậu ấy lâu hơn cậu, ít nhất những năm qua tôi chưa từng thấy cậu ấy chủ động tiếp cận ai."
"Bất cứ việc làm nào cũng có xuất phát điểm và động cơ, động cơ của cậu ấy cậu thật sự hiểu sao?"
*
Nói chuyện với Chu Đông Trạch lâu quá, thời gian còn lại không đủ để Lê Đường ra ngoài trường.
Lê Đường về lớp nằm bò ra bàn ngủ một lúc. Cậu ít khi ngủ trưa, vì thế sau khi ngủ dậy đầu óc cứ lờ đờ, cả chiều đều ngơ ngơ không rõ trời trăng.
Chỉ có câu nói "hôm nay là ngày giỗ của bố Tưởng Lâu" mãi lặp đi lặp lại trong tâm trí cậu.
Hèn gì hôm qua Tưởng Lâu nói "nhưng tôi chưa từng đón sinh nhật".
Bố chết ngay sau ngày sinh nhật của mình, chuyện đau đớn ấy đủ để kéo một đứa trẻ bảy tuổi vào địa ngục sâu thăm thẳm.
Trước tiết tự học tối Lê Đường xin cô chủ nhiệm cho nghỉ, màn đêm dần buông, cậu rời trường đi đến nhà Tưởng Lâu.
Trên đường đi Lê Đường tiếp tục gọi cho hắn, nhưng vẫn không ai bắt máy.
Đến nơi trời đã đen kịt, nhìn qua cửa sổ thấy đèn con thỏ tỏa ánh sáng yếu ớt, trong nhà thì tối om, cậu gõ cửa cũng không ai trả lời.
Không thể chờ đợi ở đây trong vô vọng, Lê Đường quay về đường cái bắt taxi, chỉ đường tới vùng ngoại thành nhiều nhà xưởng theo ấn tượng.
Lê Đường chỉ từng đến đây một lần nên lúc xuống xe xém bị lạc, may sao nhớ ra nhà máy phân bón Phúc Hâm mới tìm được tới nơi.
Bác bảo vệ có duyên gặp mặt một lần gọi cậu qua ô cửa sổ: "Nhóc con lại đến đấy à?"
Lê Đường vội vàng đáp "kiếm người ạ" rồi chạy tới lối vào ngầm trông như hang thú.
Bảo vệ ở cửa vẫn không cho vào, Lê Đường lôi điện thoại ra bấm ba con số, giơ màn hình cho gã xem: "Không cho tôi vào thì tôi báo cảnh sát."
Bảo vệ chần chừ một chốc, rốt cuộc thả cho cậu vào, giá phải trả là tạm giữ điện thoại.
Vừa vào trong Lê Đường đã choáng ngợp trước tiếng la hét như núi thét biển gầm.
Cùng là gào thét reo hò nhưng khác hẳn đại hội thể thao của trường, người trong này mặc sức bộc lộ sự phấn khích, hung hăng hoặc bạo lực. Tại đây, máu tươi, mồ hôi hay thậm chí hơi thở bốc mùi đều là chất k1ch thích khiến người ta vui sướng hơn.
Nhưng Lê Đường không rảnh quan tâm khung cảnh mới mẻ đó, cậu chỉ nôn nóng muốn nhanh chóng tìm thấy Tưởng Lâu.
Sàn đấm bốc được quây bằng lưới sắt hình bát giác, cột sáng khổng lồ rọi xuống từ trần nhà chiếu sáng như ban ngày, hai người đàn ông đang đánh nhau bên trong tựa con thú hoang, mỗi một đấm vung ra đều như muốn lấy mạng đối phương.
Xác nhận Tưởng Lâu không ở trên sân, Lê Đường bắt đầu vòng qua đám đông ầm ĩ, mong mỏi có thể tìm thấy nơi nào đó như phòng nghỉ ở phía sau.
Để tạo bầu không khí mà khán đài không bật đèn, Lê Đường vất vả len qua đoàn người rồi thình lình vấp chân suýt ngã.
Trong cái rủi có cái may, cậu được nhân viên công tác đeo thẻ đỡ, vội vàng túm người ta hỏi to: "Anh biết Tưởng Lâu không, Tưởng Lâu ở đâu?"
Đi theo nhân viên công tác vào hậu trường, băng qua hành lang quanh co khúc khuỷu, lúc mở một trong những cánh cửa, ánh sáng đột ngột làm Lê Đường híp mắt.
Nhìn cách bài trí thì đây là phòng nghỉ, dãy tủ đồ kê giáp tường, chai nhựa không biết ai uống xong vứt dưới đất bị một võ sĩ quyền anh đi qua giẫm bẹp.
Tưởng Lâu ngồi trên ghế tựa ở giữa, nhân viên công tác đi vào nói gì đó với hắn, hắn bèn đứng dậy ngoảnh đầu nhìn ra cửa, liếc Lê Đường chốc lát rồi lại quay đi.
Một phút sau các nhân viên khác trong phòng rời đi, người ra sau cùng đóng cửa kêu đánh "cạch", thế giới bỗng nhiên yên tĩnh.
Lê Đường vẫn đang ngần ngừ ở cửa thì đã nghe Tưởng Lâu hỏi: "Tìm tôi?"
Lê Đường gật đầu.
"Thế còn không lại đây?"
Lê Đường tức thì đi sang.
Cách càng gần càng có thể thấy rõ tình trạng hiện tại của Tưởng Lâu. Chắc hẳn hắn mới đánh xong không lâu, mái tóc ướt mồ hôi rối bời, quần áo cũng chưa kịp thay, chỉ khoác áo choàng tắm màu đen rộng rãi, dây thắt lưng rơi xuống hai bên, hai tay hở ra ngoài cổ tay áo thùng thình quấn băng vải, bên trên lờ mờ có vệt máu đỏ tươi.
Từ dưới lên trên, từ đầu gối đến eo bụng rồi ngực... Lê Đương không có lòng dạ nào ngắm nghía đường cong và làn da tuyệt đẹp của cơ thể ấy, chỉ nhìn thấy vết ứ máu loang lổ khắp nơi, khiếp đảm đến mức cậu quên cả hít thở.
Từ cổ trở lên cũng không may mắn thoát nạn, vết thương dưới cằm ẩn trong bóng đen nơi hõm cổ, không rõ ràng lắm, xương lông mày phía trên mắt trái bầm tím như thể chạm vào là chảy máu, khóe môi dính máu đỏ thẫm đã đông lại, tất thảy đều nói rõ trận đấu khi nãy dữ dội nhường nào.
Mà dường như Tưởng Lâu không hề để ý.
Hắn có đôi mắt sẫm màu chẳng bao giờ biểu lộ cảm xúc, bởi vậy dù là đau điếng người cũng có thể giấu nhẹm không thấy mảy may.
Tưởng Lâu nhếch môi cười: "Chỗ này rất khó vào, cậu lẻn vào kiểu gì?"
Lê Đường lắc đầu, chừng như đang nói cũng không khó lắm.
Khó là hiểu rõ tâm trạng hiện giờ.
Từ ban chiều nghe xong những lời Chu Đông Trạch kể, Lê Đường đã nghĩ khi gặp được Tưởng Lâu, có lẽ mình nên hỏi hắn "cậu tiếp cận tôi có phải vì ý đồ khác không".
Nhưng khi gặp Tưởng Lâu, cậu lại quên sạch sẽ.
Cậu chỉ nhớ chân núi nơi buổi chiều hôm mờ mịt, cậu thiếu niên quay lưng về rặng núi dài, gió thổi chiếc áo căng phồng, tựa như bóng lưng đơn độc trong bức vẽ sắp bị tà dương nuốt trọn.
"Nếu cậu không thể cho nó ăn hằng ngày, vậy thì đừng cho nó hy vọng."
"Nếu ngày mai nó lại chờ ở đây thì sao? Cả ngày kia, ngày kìa... Sau này ngày nào nó cũng sẽ chầu chực ở đây."
Đến tận giờ phút này Lê Đường mới hiểu lời Tưởng Lâu nói hôm đó có ý gì, cũng biết cảm giác yếu đuối vô cùng mâu thuẫn ở một người mạnh mẽ như hắn là từ đâu mà ra.
Hắn bị vứt bỏ giống như con chó ấy, cho nên hắn không quan tâm, thậm chí có thể giải tỏa đau khổ, tự giày vò bản thân một cách tùy thích.
Bởi vì hắn lẻ loi một mình, từ trước đến nay chẳng có ai thương xót.
Thời gian trôi qua từng phút từng giây, Lê Đường cảm nhận được mình đang bị một bản năng mạnh mẽ nào đó điều khiển, đến nỗi mà ý thức của cậu hãy đang mơ hồ thì tay đã đưa lên rồi.
Khi chạm vào vết thương trên khóe mắt hắn, động tác nơi ngón tay cậu sẽ sàng hết mức, sợ làm đau hắn, cũng sợ làm đau mình.
Dù như thế Tưởng Lâu vẫn cau mày thở dài: "Sao lại khóc nữa."
Hắn dang tay khẽ ôm Lê Đường vào lòng.
"Sợ à?" Tưởng Lâu khom lưng, hỏi bên tai Lê Đường.
Lê Đường chậm chạp lắc đầu.
"Thế thì làm sao?"
Giọng hắn cũng nhẹ nhàng như đang dỗ dành, dễ dàng khiến người ta nghe ra sự quyến luyến dịu dàng.
Tưởng Lâu lại hỏi: "Đau lòng cho tôi sao?"
Lê Đường vô cớ nghĩ đến lời Tô Thấm Hàm nói, Tưởng Lâu luôn chờ người khác đâm đầu vào cái ngõ cụt là hắn.
Bây giờ Lê Đường lại đồng cảm sâu sắc, cậu nghĩ bất kể là ai, dù nhận thấy nguy hiểm cũng chẳng thể thoát khỏi cạm bẫy dịu dàng này.
Thế nên Lê Đường gật đầu, cúi gằm mặt hít sâu thứ mùi lạnh lẽo lẫn mùi máu trên người hắn, đưa tay nắm chặt vải áo hơi ướt vì mồ hôi ở thắt lưng hắn.
Mặc kệ là ngõ cụt cũng đành đâm đầu vào thôi.
Ai bảo cậu ấy yếu đuối, cần mình như thế chứ.
***
Tác giả có lời muốn nói:
Đau lòng cho đàn ông là khởi nguồn của bất hạnh (nhưng Lê Đường không nghe).
Tin vui: Hai đứa sắp hẹn hò rồi (vẫn rất ngọt nhé).