Đầm Lầy Mùa Xuân
Chương 2: C2: Chương 2
Thang máy đi lên.
Đến nơi, cửa thang máy lại mở ra.
Hành lang được nhân viên tạp vụ dọn dẹp sạch sẽ, gạch men lát tường sáng đến mức có thể phản quang, một chậu lan hồ điệp được trưng bên cửa sổ, trang nhã, sạch sẽ.
Không gian rộng rãi tràn ngập mùi hương.
Mùi hương len lỏi vào các giác quan, thật khác những loại điều hòa rẻ tiền trong các trung tâm thương mại.
Dì nhỏ mặc chiếc đầm len đen, đã chờ cửa được một lúc.
Dì hơi gầy đi, lớp trang điểm thanh lịch cũng không che giấu được vẻ mệt mỏi trong mắt dì.
Thang Yểu chưa kịp hỏi, dì nhỏ đã chủ động nói, việc chuyển nhà thật sự rất vất vả. Đêm qua dì thức khuya để làm gấp một đơn hàng nên không còn sức.
Có lẽ cô hơi nhạy cảm, cứ cảm giác dì nhỏ nói những lời đó là để tránh cô hỏi han.
Cứ như dì nhỏ đang giấu diếm gì đó.
Trong lúc suy nghĩ rối rắm, dì đã tới bên Thang Yểu, mỉm cười kéo cô vào nhà: "Còn đứng ngây ra đó làm gì? Vào nhanh lên, dì cho con xem nhà mới."
Nhà rộng rãi bất ngờ.
Trong nhà bày trì theo phong cách tối giản, màu sắc nhẹ nhàng, tầm nhìn thông thoáng.
Bàn cà phê hình chữ nhật, trên đó là một chiếc bánh kem to chừng bốn tấc, nhìn là biết dì làm rồi.
Trà đen được đun trong ấm trà bằng gốm, dì vui vẻ nói: "Chắc Yểu Yểu đi tàu mệt rồi. Uống trà chiều trước nhé, sau đó nghỉ ngơi một chút rồi ra ngoài ăn cơm."
Có một người phụ nữ từ phòng trong bước ra mỉm cười, trông bà trạc tuổi mẹ Thang Yểu.
Bà nhận lấy chiếc áo khoác Thang Yểu cởi ra định treo lên giúp cô, làm cô ngại vô cùng, nhìn bà bất lực.
"Đây là người giúp việc của dì, chiều nào chị ấy cũng đến, con cứ gọi chị ấy là dì Đường, cứ đưa áo khoác cho chị ấy."
Thang Yểu nói khẽ: "Cảm ơn dì Đường."
Dì Đường treo áo khoác cô lên, rồi lại ra xách hành lý vào.
Thang Yểu chưa kịp thích nghi việc một người xa lạ cư xử ôn hòa và chu đáo thế này, tai cô nóng bừng lên, cô nắm chặt tay cầm vali, lắc đầu nói: "Để con tự làm..."
Đây là một thế giới mới, mới đến nức khiến người ta cảm thấy thật nguy hiểm.
Căn hộ cao cấp, dì giúp việc...
Những điều này khác xa các gia đình bình thường.
Những thắc mắc trong đầu Thang Yểu càng sâu sắc hơn, làm cô bối rối mờ mịt, cô lo lắng đặt vali xuống.
Vali nhét đầy tới nỗi khóa kéo chỉ kéo được một nửa, còn có gì đó rơi ra.
Dì đứng bên Thang Yêu, thấy cô như vậy nên bật cười lớn: "Tay chân con khẳng khiu thế này mà chị lại tưởng con khỏe như voi thế. Sao vác theo nhiều đồ thế này?"
Trong vali có lạp xưởng mẹ Thang Yểu tự làm, gà hun khói nổi tiếng tại các quầy thức ăn đường phố, mứt trái cây mà cả dì và mẹ đều thích ăn...
Thang Yểu lấy hết đồ ra, nghĩ ngơi xem nên mở miệng thế nào.
Trong mắt cô, dì nhỏ là một người vô cùng xuất chúng, xinh đẹp, độc lập và cực kỳ thông minh. Dì đến Bắc Kinh một mình và mở một tiệm bánh kem làm theo yêu cầu ngay trên con đường buôn bán tấp nập.
Dì nhỏ mặc hàng hiệu trên người, có lẽ là do "dượng nhỏ" tặng, nhưng Thang Yểu nghĩ phần lớn số quần áo đó là do dì tự mua.
Thang Yểu sợ nếu cứ tùy tiện nói ra, trông cô cũng không khác gì mấy người họ hàng hay soi mói và làm dì tổn thương.
Cô nghĩ ngợi, cố tìm cách hỏi về "dượng nhỏ" sao cho không quá đường đột...
Nhưng cô vốn không phải một người khá giả, cô cũng chỉ mới học được nửa năm nhất đại học, xung quanh cũng toàn là sinh viên như cô.
Ba cô gái ở cùng ký túc xá cũng không nghĩ nhiều.
Đừng nói là giấu diếm cái gì, dù chỉ trúng số hai mươi tệ, cô cũng có thể vui mừng đến mức cười toét miệng đến tận mang tai.
Mấy phòng khác trong ký túc xá cũng sẽ biết có một phòng trúng số.
Nỗi buồn sâu sắc và thâm trầm thể hiện rõ trên mặt Thang Yểu.
Cô mới lấy được nửa đồ đạc trong hành lý ra, dì đã nhìn thấy hết.
Dì cầm túi lạp xưởng lên, mở túi ra, bẻ một mảnh nhỏ, vừa ăn vừa nói: "Tết này dì không về nhà, người trong nhà có nói gì không?"
Trước khi đến Bắc Kinh, dì nhỏ sống với Thang Yểu, dì hơn cô mười tuổi, giống chị cô hơn.
Hơn nữa, dì nhỏ là người có lắm trò, thân thiết với cô từ khi cô còn nhỏ.
Nghe dì hỏi, Thang Yểu không thể kiềm lòng, không che giấu được nữa. Cô khéo léo thuật lại lời họ hàng nói, còn nhắc nỗi lo của mẹ: "Dì ơi, họ phiến phức lắm. Mẹ con và con đều lo chết đi được, sợ dì gặp phải người xấu, sợ "dượng nhỏ" đối xử tệ với dì."
Dì nhỏ vô cùng bình thản, dường như không để bụng mấy lời đồn đại đó. Dì ngắt miếng lạp xưởng, thật lòng nói, "Lạp xưởng mẹ con làm vẫn ngon như xưa."
Chuyện "dượng nhỏ" không xuất hiện, dì nhỏ vẫn nói mấy lời thoái thác -
"Anh ấy làm ăn rất bận rộn. Dạo này anh ấy đến phía Nam bàn chuyện làm ăn, chắc tháng năm, tháng sáu mới về. Dì còn không gặp được mà."
Thang Yểu chưa yêu bao giờ, nhưng vẫn có những ý niệm hết sức lãng mạn về tình yêu.
Cô nhíu mày phản bác: "Kiếm tiền quan trọng thật, nhưng hôn nhân cũng quan trọng mà. Trì hoãn việc đó cũng đâu phải là cách. Chẳng lẽ dì đợi già rồi mới kết hôn?"
Dì nâng ấm trà men, rót ra hai ly trà đen, cắt một miếng bánh cho Thang Yểu: "Dì làm thử công thức mới, có bưởi và lê."
Viên kim cương to bằng hạt đậu nành, sáng lấp lánh dưới ánh đèn.
Dì nói: "Nhẫn kim cương là do dì mua đấy. Trẻ con đừng lo lắng nhiều, dì tự lo chuyện hôn nhân."
Nhẫn kim cương chắc phải đắt tiền lắm.
Nếu "dượng rể" là người xấu, chơi đùa với cảm xúc của dì thì chắc sẽ không mua nhẫn đắt tiền cho dì đâu nhỉ?
Thấy Thang Yểu thả lỏng một chút, dì mỉm cười, nhẹ giọng nói: "Con lo gì chứ? Nếu anh ấy dám đối xử tệ với dì, dì sẽ đá anh ấy ngay. Dì con mà dễ bị bắt nạt thế à?"
Sau đó, dì gọi cho mẹ Thang Yểu, đầu tiên là khen lạp xưởng ngon, nói nhớ nhà, tiếp đến là nói về chuyện yêu đương.
"Chị à, đừng lo nữa. mọi người ở thành phố lớn đều không nói chuyện hôn nhân sớm đâu, em còn muốn theo đuổi sự nghiệp thêm hai năm nữa."
Hôm đó, Thang Yểu và dì nói rất nhiều chuyện, rồi đến một quán ăn Hồ Nam, ăn đầu cá ớt băm. Buổi tối, cô không quay về ký túc xá mà ở lại nhà dì một đêm.
Người ta nói ăn no thì buồn ngủ.
Vậy mà Thang Yểu nằm trên giường, không hề buồn ngủ, trở tới tởi lui như cái bánh nướng, không tài nào ngủ được.
Cô cứ cảm thấy có gì đó không đúng.
Cô nhớ đi nhớ lại động tác và biểu cảm của dì nhỏ khi dì đeo chiếc nhẫn vào ngón áp út.
Lại nhớ đến mấy ngày Tết, cô và dì nhỏ đội tuyết đến siêu thị nhỏ mua hạt dưa ngũ vị. Lúc gần về đến nhà, họ thấy trong túi hạt dưa có tấm thẻ ghi "Tặng một gói". Vậy là họ lại đội tuyết, vui vẻ đến tìm quản lý siêu thị đổi lấy gói hạt dưa.
Dì nhỏ cũng từng giống như cô vậy, chẳng có của cải gì, khi vui thì cười, khi kinh ngạc thì hò reo, khi bị bắt nạt thì than thở với người nhà bên bàn ăn...
Thang Yểu từng nghĩ, ngày dì được cầu hôn, dì sẽ khoe nhẫn kim cương với cô, cô sẽ ôm dì bật khóc hạnh phúc.
Nhưng có nhẫn kim cương rồi mà họ đều chẳng vui vẻ mấy.
Chuyện dì sống ở căn hộ cao cấp cũng không thú vị lắm.
Hơn nữa, căn hộ lớn quá cũng có nhược điểm là ban đêm trống trải đến mức làm người ta phiền lòng.
Thang Yểu không ngủ được, giơ điện thoại soi đường đến nhà vệ sinh.
Khi quay lại, cô đổi ý, ra phòng khách chứ không về phòng ngủ.
Không hổ là chung cư cao cấp, cảnh đêm cũng đẹp vô cùng.
Hồ nhân tạo dưới nhà được xây thành nhiều hình tứ giác có kích thước khác nhau. Mặt nước phản chiếu ánh sáng, lấp lánh như bồn rửa mực.
Ban ngày, dì đã chỉ cô xem công viên hoa anh đào ở phía đông nam. Nghe nói vài ngày nữa, hoa anh đào nở rộ sẽ rất đẹp.
Đêm đã khuya, trời tối như mực, chỉ còn vài ngọn đèn lay lắt.
Đứng bên cửa sổ sát đất trong phòng khách, cô thấy được ban công ngoài phòng ngủ chính của dì, cũng có thể thấy nhà hàng xóm tầng dưới.
Thang Yểu đứng bên cửa sổ một lúc, vô tình thấy bóng người cao lớn trên ban công tầng dưới.
Nơi anh đứng, nửa sáng nửa tối.
Dù anh đã thay quần áo, nhưng xét đến chiều cao của anh thì có lẽ, đó là người cô đã gặp trong thang máy.
Huống chi mỗi tầng chỉ có một căn hộ. Nếu đếm số tầng, bóng người này rõ ràng đang đứng ở tầng ba.
Chắc chắn là đúng rồi.
Hôm đó, trong lòng Thang Yểu tràn ngập những lo lắng phức tạp, vô định. Cô đứng bên cửa sổ yên ắng, ngắm cảnh đêm, ngắm ánh trăng, cố trấn tĩnh lòng mình.
Người đàn ông đó đứng trên ban công, thỉnh thoảng lại bật điện thoại, cũng không biết anh đang nghĩ gì.
Cảm giác này thật kỳ diệu, cứ như có thêm một người bạn.
Chớp mắt một cái đã đến ngày đi học.
Sau khi đi học lại, Thang Yểu vô cùng bận rộn. Ngoài giờ học, cô còn tham gia câu lạc bộ và làm thêm.
Nhưng tuần nào cô cũng đến gặp dì.
Từ trường đến nhà dì, cô phải lên hai chuyến tàu rồi lại lên xe buýt, mỗi lần đi mất hết một tiếng.
Sau này nghĩ lại, có lẽ con người vốn nhạy cảm với tai họa.
Chắc chắn khi đó, cô đã hết sức thận trọng, dù chính cô cũng không rõ. Vậy nên dù nắng hay mưa, cô cũng chạy đến nhà dì.
Dù có tránh thế nào, chắc chắn cũng sẽ gặp lại người hàng xóm đó.
Thường gặp trong thang máy.
Và người đàn ông đó luôn đeo kính râm, bất kể ngày hay đêm, trông như anh bước ra từ tạp chí vậy.
Thang Yểu khá hướng ngoại, dù đứng trong khuôn viên khu chung cư, cô cũng suy nghĩ đơn giản, trong lòng cũng không có cái gọi là "văn hóa kết giao" hay "quyền lực và tiền tài".
Hàng xóm thường xuyên chạm mặt, cô lại hay nhắc người ta làm rơi đồ, vậy nên khi gặp nhau, họ cũng có thể gật đầu chào nhau.
Đối phương rõ ràng không có ý định "gật đầu làm quen" với cô. Anh chỉ đứng im lặng trong thang máy, cùng cô đi lên tầng ba rồi đi ra.
Họ lại gặp nhau vào tháng ba.
Tuyết dưới bóng râm cũng tan rồi, công viên hoa anh đào tràn ngập sắc hồng, trắng rực rỡ.
Ngày đó là cuối tuần, Thang Yểu vừa được phát nửa tháng lương làm thêm, mua gà rán, vui vẻ đến gặp dì.
Khi cửa thang máy sắp đóng lại, Thang Yểu thoáng thấy bóng dáng ai đó đi về phía này. Một tay cô cầm hộp gà rán, tay kia giữ nút mở cửa, sau đó thò nửa đầu ra ngoài, tốt bụng ra hiệu với người bên ngoài, bảo "Nhanh lên".
Vẫn là người đàn ông cô nhiều lần gặp gỡ.
Hình như anh hơi bất ngờ, vào thang máy, vẫn không cười mà chỉ nói "cảm ơn" như lần đầu họ gặp nhau.
Lịch sự và lạnh nhạt.